Dạy nghề ở Kon Tum: Học sinh bỏ học vì phải đóng học phí

Thứ hai, ngày 14/04/2014 12:04 PM (GMT+7)
Tại tỉnh Kon Tum, 30-40% số học sinh học nghề bỏ học giữa chừng, mà lý do quan trọng nhất là do thay đổi chính sách hỗ trợ...
Bình luận 0
Ồ ạt bỏ học

Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình dạy nghề cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) theo các chương trình mục tiêu quốc gia với các chính sách hỗ trợ như Nghị định 74, Quyết định 267, Chương trình 135, Đề án 1956… Thế nhưng, gần đây có sự thay đổi chính sách khiến số học sinh được hỗ trợ đi học ngày càng ít.

Số học sinh ít ỏi đang theo học lớp may thời trang còn bám trụ với lớp.
Số học sinh ít ỏi đang theo học lớp may thời trang còn bám trụ với lớp.

Ông Mai Ngọc Kiên – Hiệu phó Trường Trung cấp nghề Kon Tum cho biết: Toàn trường có 286 học sinh (hệ trung cấp), 1.000 học sinh (hệ sơ cấp và các hệ liên thông đào tạo), có đến 90% học sinh DTTS nhưng hiện chỉ còn 30 em thuộc đối tượng được miễn học phí và hỗ trợ chính sách đi học. “Cuộc sống khó khăn khiến nhiều em bỏ học giữa chừng, chiếm 30–40% tổng số học sinh. Ví như lớp may thời trang tuyển sinh được 30 học sinh thì có đến 8 em nghỉ học. Từ tháng 12.2013 đến 2.2014, học sinh bỏ học ồ ạt tới 114 em”- ông Kiên trăn trở.

Theo ông Kiên, Quyết định 267/2005/QĐ-TTg là chính sách hỗ trợ dạy nghề cho học sinh tốt nghiệp các trường THCS, THPT dân tộc nội trú (DTNT) và việc tổ chức dạy nghề cho học sinh DTTS nội trú chỉ áp dụng cho những nghề với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên. Thế nhưng, Nghị định 74/2013 ra đời, chỉ áp dụng hỗ trợ dạy nghề cho học sinh, sinh viên người DTTS rất ít người, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Như vậy, những em đang học nghề ở các trường THPT nội trú không thuộc diện trên đều phải đóng học phí, nên các em bỏ giữa chừng hết.

Tương tự, tại Trung tâm Dạy nghề Đăk Hà (huyện Đăk Hà, Kon Tum) học sinh bỏ học giữa chừng mỗi năm chiếm 30 – 40%. Ông Hà Văn Cường – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm đã chủ động liên kết với Trường Cao đẳng nghề Bình Dương để tuyển sinh, đào tạo nghề hệ trung cấp nghề và cao đẳng nghề cho học sinh DTTS. Do áp dụng nhiều chính sách, trong khi chính sách lại thay đổi liên tục nên một số em trước thuộc diện được hỗ trợ, nay lại không được nên các em bỏ học.

Nhọc nhằn tới trường

Ông Mai Ngọc Kiên cho biết: “Trường đã hỗ trợ giảm 50% học phí; phối hợp với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh cho các em năm 2 thực hành và có tiền công; hỗ trợ chỗ ở miễn phí, tiền điện… Vậy mà các em vẫn bỏ học”.

Với những học sinh không có hỗ trợ học nghề, khó ai có thể tưởng tượng các em vất vả thế nào. Có mặt tại ký túc xá Trường Trung cấp nghề Kon Tum chúng tôi mới cảm nhận được hết sự khó khăn, vất vả của những học sinh đang từng ngày bám trụ với lớp. Y Bởi, học sinh lớp may thời trang chia sẻ:

Gia đình em có 9 anh chị em, sống chủ yếu bằng nghề nông. Sau khi học THCS, em thuộc diện được học nghề miễn phí nên em đăng ký đi học ngay. Ở đây, vừa được học bổ túc văn hóa, vừa được học nghề nên em rất vui.

Tuy nhiên, tháng 9.2013 , em được thông báo không còn trong diện được miễn giảm và phải đóng học phí mới được học nghề tiếp. Lúc đầu, thấy các bạn bỏ về hết em cũng rất buồn, nhưng em nghĩ nếu cứ về làm ruộng thì không biết bao giờ mới thoát nghèo nên em đã ở lại học.

“Để có tiền đóng học phí, em và các bạn cùng lớp tập trung nấu cơm ăn hàng ngày. Bọn em chỉ ăn cơm với rau, đậu… Mỗi bữa tính ra là 3.500 đồng/người”- Y Bởi nói. Bữa cơm này so với bữa ăn 17.000 đồng mà các học sinh DTTS thuộc diện được hỗ trợ trông thật thảm thương. Nhưng các em tự động viên nhau để cùng hoàn thành khóa học.

Ngô Xuân (Ngô Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem