Dạy nghề theo “đơn đặt hàng”

Thứ ba, ngày 02/08/2011 16:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Điều tra nhu cầu học, tìm hiểu kỹ thị trường lao động, nhiều lớp dạy nghề cho nông dân đã đạt được hiệu quả cao. Đó là tạo việc làm cho người dân ngay sau khi lớp học kết thúc...
Bình luận 0

Học nghề để tự mở rộng sản xuất

Khi biết anh Nguyễn Ngọc Vương (SN 1978, thôn Trung Tín 2, thị trấn Tuy Phước, Tuy Phước) và cha là ông Nguyễn Ngọc Châu cùng tham gia lớp học nghề chăm sóc cây cảnh của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Định (mở đầu năm 2011) không ít người ngạc nhiên vì cha con anh đều đã có nghề ổn định.

img
Anh Nguyễn Ngọc Vương đang tạo dáng cho cây sanh.

“Tôi bỏ nghề sửa xe theo học nghề chăm sóc cây cảnh vì tôi biết đây là cơ hội nâng cao thu nhập, thậm chí có thể làm giàu”- anh Vương giải thích. Anh Vương đang có vườn trồng 150 cây sanh từ 3 - 10 năm tuổi nhưng vì không biết các kỹ thuật tạo dáng thế nên chỉ bán được giá thấp.

“Học qua lớp đào tạo nghề 3 tháng, được các nghệ nhân “cầm tay chỉ việc” nên tôi đã tích lũy được rất nhiều kiến thức trồng, chăm sóc cây” - anh nói. Hai cha con anh ấp ủ ý định sẽ ươm cây giống phát triển vườn bon-sai và bán cây con để làm kinh tế theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Khác với cha con anh Vương, trước khi đến với lớp dạy nghề chăm sóc cây cảnh, anh Nguyễn Tấn Đức (44 tuổi, thôn Mỹ Điền, thị trấn Tuy Phước) là một tay buôn cây cảnh có tên tuổi ở địa phương. Anh Đức nói: “Trước đây, nông dân phải thuê các nghệ nhân ở địa phương chăm sóc, tạo dáng cho cây rất tốn kém nhưng khi được học những kiến thức cơ bản như trồng, chăm sóc, ghép cây… thì họ tự chăm sóc lấy, chi phí cho sản xuất giảm đi rất nhiều”.

Để đáp ứng “trúng” nhu cầu học nghề của nông dân không dễ, ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng Đào tạo của trung tâm, cho biết: “Khi đào tạo nghề cho nông dân phải nhắm đến xu hướng giúp họ có khả năng tự tìm “cần câu cơm” cho mình. Vì thế, chúng tôi mở những lớp mà bà con có thể áp dụng ngay trên vườn nhà”.

Nắm vững nguyện vọng của nông dân

Tương tự, tại Bắc Giang, một số mô hình thí điểm dạy nghề nông dân đã đạt được hiệu quả khá tốt. Trao đổi với NTNN, ông Ngô Kim Tuyến – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề (Hội ND tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Chúng tôi có “chân rết” tới tất cả các thôn, bản nên đã thực hiện việc điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu của người học nghề gắn với thế mạnh của địa phương nhằm đạt hiệu quả cao sau đào tạo”.

img Hiện có khoảng 12-15% số lao động nông thôn có nhu cầu được đào tạo nghề với trên 600 nghề khác nhau, trong đó nhóm nghề nông nghiệp chiếm trên 48%. Đây là cơ sở rất quan trọng để các cơ sở dạy nghề trong cả nước tổ chức xây dựng chương trình và mở các khóa dạy nghề phù hợp. img

Với các lớp dạy nghề phi nông nghiệp, các trung tâm dạy nghề thường phối hợp với doanh nghiệp để dạy nghề. Tuy nhiên, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng học viên để tranh thủ “vắt sức” lao động mà không chú trọng tới việc dạy nghề, Hội ND và ngành LĐTBXH đã thường xuyên kiểm tra.

Chị Đào Thị Xoa – thôn Sậm, xã Tân Thịnh (Lạng Giang, Bắc Giang) là học viên lớp may công nghiệp của Hội ND tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Theo học ở lớp này, Hội ND đã đón cả giáo viên là người của công ty tới tận xã dạy, đỡ phải đi lại. Sau khi học lại có việc làm ngay vì cô giáo cũng là người trực tiếp tuyển chọn”.

Chị Nguyễn Thị Hương – giáo viên lớp may công nghiệp cho biết, lớp khai giảng từ 6.6, sau hơn 1 tháng hầu hết các học viên đều thực hành thành thạo. “Sau khi đào tạo, học viên được cấp chứng chỉ và chỉ cần có nhu cầu là các doanh nghiệp đều tuyển dụng ngay với mức lương trung bình từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng”- chị Hương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem