Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, không chỉ nguồn lực của nhà nước mà cần phải xã hội hóa
Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, không chỉ nguồn lực của nhà nước mà cần phải xã hội hóa
Quang Sung
Thứ ba, ngày 20/06/2023 16:19 PM (GMT+7)
Dạy nghề cho người khuyết tật đã khó, sau khi ra nghề tìm được việc làm ổn định cuộc sống lại càng khó hơn. Hiện nay nhiều trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật vẫn còn hạn chế về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy.
Ngày 20/6, tại hội thảo "Hỗ trợ dạy nghề và việc làm cho Người khuyết tật tại TP.HCM" do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (SC) và Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM (HASPDO) tổ chức, nhiều chuyên gia đã nêu bật được thực trạng, khó khăn và đề xuất một số giải pháp trong việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Đây là hoạt động đầu tiên của chuỗi hoạt động trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy môi trường thuận lợi cho thanh niên khuyết tật tiếp cận cơ hội việc làm bền vững" được tài trợ bởi Citi Foundation.
Trình bày về vấn đề chăm lo, đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật, bà Tô Thị Thủy – Phó phòng Dân vận Hệ thống chính trị - Ban Dân vận Thành ủy cho biết, trong hơn 7 năm (từ 2014-2020) các ngành ước đào tạo nghề cho hơn 3.000 người khuyết tật, với 17 nghề phù hợp. Người khuyết tật tham gia học nghề được miễn học phí. Sau thời gian học tập, được các trung tâm giới thiệu việc làm có thu nhập ổn định.
Sau khi hoàn thành khóa học, người khuyết tật được các trung tâm hỗ trợ vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Người khuyết tật có thể tự tìm kiếm việc làm ở sàn giao dịch việc làm trực tuyến.
Ông Trịnh Quốc Dũng - Phó phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, các Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) và Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố (thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố), Trung tâm dạy nghề thuộc Hội người mù và Trung tâm Bảo trợ xã hội ngoài công lập tổ chức dạy nghề, tạo việc làm thông qua liên kết, hợp tác với các trường dạy nghề.
Trong năm năm 2022 các trung tâm đã tổ chức dạy nghề cho hơn 333 người; giới thiệu việc làm cho 435 người khuyết tật và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó 72 lượt doanh nghiệp, tuyển 423 lao động là người khuyết tật.
Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức các hoạt động hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm cho phụ nữ khuyết tật. Tính đến năm 2022, có gần 500 tổ với các loại hình như: tổ may, tổ gia công, kết cườm, tranh thêu chữ thập, nấu ăn, làm móng, uốn tóc... đã thu hút gần 10.000 thành viên.
Theo các đại biểu tranh luận tại hội thảo, hiện nay nguồn lực phục vụ cho công tác dạy nghề cho người khuyết tật còn yếu; thiếu trang thiết bị hiện đại. Nhân sự dạy nghề còn thiếu về số lượng và chưa đạt trình độ theo yêu cầu. Đặc biệt nhiều người khuyết tật chưa tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ nghề và việc làm.
Bà Lê Thị Bích Loan – Giảng viên ngành Graphic & Digital Design, Ủy viên Ban chấp hành Hội Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi TP.HCM cho biết: "Dạy nghề cho người bình thường đã khó, dạy nghề cho người khuyết tật lại càng khó hơn. Bởi ngoài tiêu chí chuyên môn còn đòi hỏi cái tâm, sự kiên nhẫn cao của giáo viên vì đối tượng học khá nhạy cảm về thể chất lẫn tinh thần".
"Nếu đầu tư thêm về giáo trình, định hướng đào tạo, đẩy mạnh truyền thông. Đặc biệt đầu tư gầy dựng lại xưởng thực hành, nhận các đơn hàng thực tế từ bên ngoài cho học viên trải nghiệm. Bên cạnh đó cũng cần đầu tư thêm cơ sở vật chất, máy móc. Muốn vậy, cần có sự chung tay của các cơ quan ban ngành Nhà nước, mới có thể hỗ trợ lâu dài cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp cho Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM", bà Loan bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM chia sẻ, để có thể hỗ trợ tốt cho người khuyết tật trong việc học nghề và việc làm, không chỉ có nguồn lực của nhà nước mà đòi hỏi phải xã hội hóa. Qua đó giúp người khuyết tật có công việc, làm chủ bản thân và vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.