Dạy những nghề thiết thực, nông dân hưởng ứng

Thu Hà Thứ bảy, ngày 21/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp nông dân - phụ nữ thuộc Hội ND tỉnh Quảng Ngãi đã phát huy vai trò là cầu nối trong công tác dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật và đa dạng hóa các dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Bình luận 0

Áp dụng hiệu quả vào sản xuất

Là 1 trong 30 nông dân tốt nghiệp lớp sơ cấp nghề nuôi cá nước ngọt ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, anh Lê Văn Lẻo cho biết: Trong thời gian 3 tháng học nghề, anh đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm kỹ thuật nuôi cá nước ngọt. Nếu như trước đây nhà anh Lẻo thả 1.000 con cá trắm cỏ có khi cá chết chỉ còn 40 - 50 con. Sau khi học nghề, biết được kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng, ngừa dịch bệnh cho cá thì anh Lẻo cải thiện được 70 - 80% hiện tượng cá chết. Nhờ vậy mà doanh thu, lợi nhuận cũng được tăng lên. Sắp tới, anh Lẻo sẽ vay thêm tiền từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư lồng nuôi cá trên sông Trà để cải thiện cuộc sống gia đình.

Dạy những nghề thiết thực, nông dân hưởng ứng - Ảnh 1.

Nhiều mô hình nông nghiệp Quảng Ngãi hoạt động hiệu quả khi đào tạo nghề nông nghiệp được chú trọng. Ảnh: Thanh Loan

Song song với việc tổ chức dạy nghề, Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp nông dân - phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi còn kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng trên 10.000 cây giống các loại, bao tiêu trên 100 tấn nông sản cho nông dân; phối hợp với các doanh nghiệp triển khai chương trình "mua phân bón trả chậm", với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng...

Dựa trên thế mạnh địa phương và nguyện vọng của nông dân ở cơ sở Hội, các cấp Hội ND tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức đào tạo nghề phù hợp cho nông dân. Nếu như nông dân các xã trên địa bàn huyện Sơn Tịnh được trang bị kiến thức về nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm thì nông dân xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn lại được học nghề chế biến món ăn.

Giáo viên dạy nghề nấu ăn Đinh Thị Thiên Long cho biết: "Chúng tôi xây dựng giáo án rất kỹ cho mỗi buổi học. Đặc biệt, chúng tôi chọn những món ăn phổ biến, đang thịnh hành trong bữa ăn hằng ngày, đám, tiệc như ram, vịt nấu chao, chả giò, lẩu hải sản... để hướng dẫn cho chị em".

Theo lãnh đạo Hội ND xã Bình Thạnh, xã có nhiều dự án phát triển công nghiệp, vì thế người dân không còn nhiều đất nông nghiệp để sản xuất. Từ năm 2013 đến nay, Hội ND xã đã phối hợp Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp nông dân - phụ nữ (thuộc Hội ND tỉnh Quảng Ngãi) tổ chức 4 lớp đào tạo nghề chế biến món ăn, nghề may công nghiệp cho hội viên nông dân trên địa bàn xã. Nhờ học nghề, nhiều nông dân đã có công việc ổn định trong công ty may và rất nhiều nông dân mở cơ sở may gia công ở địa phương.

Nâng cao công tác đào tạo

Dạy những nghề thiết thực, nông dân hưởng ứng - Ảnh 3.

Giờ thực hành của học viên lớp sơ cấp nghề chăn nuôi gia súc ở xã Bình Trung, Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: T.L

Những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp nông dân - phụ nữ thuộc Hội ND tỉnh Quảng Ngãi là đầu mối trong việc hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật và cung ứng các loại cây, con giống đảm bảo chất lượng cho nông dân trong quá trình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Trong 5 năm qua, trung tâm đã tập huấn, phối hợp đào tạo và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 10.000 lượt nông dân; tổ chức 36 lớp dạy nghề cho gần 1.000 hội viên; đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho gần 1.300 người; liên kết mở 3 lớp cao đẳng và trung cấp nghề cho 120 học viên...

Theo Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Giáo dục nghề nghiệp nông dân - phụ nữ tỉnh Lê Trung Việt cho biết: Những năm trước, trung tâm có tham gia đào tạo nghề nông nghiệp, nhưng việc thu hút đối tượng học nghề gặp nhiều khó khăn. Do đó, 2 năm nay (2019-2020) trung tâm không đăng ký đào tạo nghề nông nghiệp.

Ông Việt chia sẻ: Hiệu quả của công tác đào tạo nghề đã giúp cải thiện đáng kể đời sống nông dân, tuy nhiên công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân do lao động nông thôn lớn tuổi, đặc biệt là đồng bào người dân tộc và miền núi, người nghèo phần lớn là trụ cột gia đình, nên rất khó để sắp xếp thời gian tham gia các khoá đào tạo nghề. Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động đào tạo nghề còn thấp, định mức chi chưa phù hợp với tình hình thực tế...

Thời gian tới, trung tâm tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, đặc biệt là đào tạo một số nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, trung tâm cũng sẽ chủ động phối hợp và liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tiếp tục triển khai các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nông dân vốn, nguồn giống, khoa học kỹ thuật, cũng như trang thiết bị phục vụ sản xuất.

"Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực của trung tâm, chúng tôi cũng rất mong chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để công tác dạy nghề cho nông dân và lao động nông thôn ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn"- ông Lê Trung Việt chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem