Dây thừng bện từ tóc của những người bất khuất

Thứ ba, ngày 26/07/2011 16:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Họ đã cạo đầu trọc lấy tóc bện thành những sợi dây, gửi về mặt trận để động viên tinh thần chiến đấu của các đồng đội, đồng chí.
Bình luận 0

Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng những người phụ nữ ở nhà tù Côn Đảo bị Mỹ ngụy giam cầm biệt lập vẫn tìm đủ mọi cách để động viên tinh thần chiến đấu của đồng bào và chiến sĩ miền Nam.

Bà Hoàng Thị Khánh- Trưởng ban liên lạc tù chính trị Côn Đảo, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM nhớ lại: Cuối năm 1969, trước phong trào đấu tranh quyết liệt của các nữ tù nhân ở khám Chí Hòa, chính quyền Sài Gòn thấy tình hình bất lợi nên quyết định đày nữ tù nhân ra Côn Đảo.

Cuộc đi đày lần đó được gọi là “đi bằng lưng”, bởi các chị chống quyết liệt nên bị chúng đánh đập bằng dùi cui, ma trắc, lựu đạn cay rồi còng lại, vác từng người lên lưng, vứt lên xe chở đi.

Ra đến đảo, 342 chị em bị đẩy ngay vào chuồng cọp. Chuồng cọp có hai khu, mỗi khu có 60 chuồng và 30 hầm đá, thường giam giữ trên 400 người. Có thời kỳ các khu chuồng cọp nhốt hàng ngàn người. Cứ 5 người bị nhốt vào một chuồng bề ngang 1,45m, dài 2,5m. Ăn, ngủ, tiểu tiện đều chung một chỗ.

Sợi dây tóc của những phụ nữ bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo.
img

Chị em phải thay phiên nhau kẻ ngồi, người nằm. Đêm ngủ phải thay phiên nhau kẻ thức, người ngủ, phải thường xuyên nằm chồng lên nhau như “cá mòi xếp hộp”. Chén đũa để trong thùng đất cát bụi bặm, cho bầy chó liếm đi liếm lại rồi sớt cơm cho tù ăn.

Khi tắm, chị em gom phần nước của 5 người lại cho một người tắm, luân phiên nhau năm ngày mỗi người được tắm một lần. Nước tắm cũng phải dùng lại tới ba bốn lần: Nước “nhất” tắm trên đầu, nước “nhì” tay chân, cho đến nước “chót” thì đã đen ngòm vẫn phải tận dụng tiếp để giặt đồ.

Nhưng tất cả những thủ đoạn của nhà tù không thể làm nhụt chí đấu tranh của chị em. Hàng đêm, họ vẫn bền bỉ ngồi bện những sợi tóc mảnh mai thành một cuộn dây to, đen nhánh để gửi về đất liền động viên tinh thần đồng đội.

Chính những sợi dây tóc ấy đã góp phần tạo ra một không khí thi đua giết giặc để không phụ lòng những chiến sĩ bị lao tù đang ngày đêm mong ngóng giải phóng đất nước. Với bà Hoàng Thị Khánh và những đồng đội, sợi dây tóc ấy là kỷ vật thiêng liêng của một đời chiến đấu cho tự do đất nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem