ĐBQH Lê Thanh Vân: Công nhận liệt sĩ cho cán bộ y tế tử vong khi chống dịch là "việc cần làm ngay"

Lan Uyên (thực hiện) Thứ tư, ngày 18/08/2021 15:34 PM (GMT+7)
Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, cán bộ y tế tử vong khi làm nhiệm vụ chống dịch rất xứng đáng được Nhà nước công nhận là liệt sĩ, thậm chí, tùy theo tính chất, có thể truy tặng danh hiệu anh hùng và đây là "việc cần làm ngay".
Bình luận 0

Công đoàn Y tế Việt Nam vừa có đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, đề xuất với Chính phủ sớm ban hành chế độ chính sách phong tặng liệt sĩ đối với cán bộ y tế tử vong khi làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19.

Trả lời báo giới tại cuộc họp báo ngày 17/8, đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết đã nhận được đề xuất của Công đoàn Y tế. Cơ quan này đang nghiên cứu đề xuất phong liệt sĩ cho cán bộ y tế tử vong khi chống dịch và sẽ trình khi chín muồi.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nêu quan điểm: "cán bộ y tế tử vong khi làm nhiệm vụ chống dịch rất xứng đáng được Nhà nước công nhận liệt sĩ, thậm chí có thể truy tặng danh hiệu anh hùng, bởi họ rất đáng được Tổ quốc ghi công và đây là "việc cần làm ngay".

ĐBQH Lê Thanh Vân: Phong liệt sĩ cho cán bộ y tế tử vong khi chống dịch là “việc cần làm ngay” - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: VPQH)

Đề xuất phong liệt sĩ cho cán bộ y tế tử vong trong khi làm nhiệm vụ chống dịch đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Theo ông đề xuất này có phù hợp với các quy định hiện hành, đặc biệt là các chính sách với người có công?

Theo quy định tại Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, thì người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ. Trong điều luật này có quy định 11 trường hợp được xem xét công nhận liệt sĩ. Chiếu theo điểm k, khoản 1, của Điều này, thì  những cán bộ y tế tử vong trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 có thể được xem xét công nhận là liệt sĩ. Quy định này có nêu rõ người "đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội". Trong điều kiện hiện nay khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp đất nước, đặc biệt là ở một số  điểm nóng như  TP.HCM, Bình Dương..., thì sự hy sinh của những chiến sĩ, y, bác sĩ, cán bộ ý tế trong thực thi nhiệm vụ rất đáng được Tổ quốc ghi công.

Nếu chúng ta xác định chống dịch như chống giặc thì đây cũng là cuộc chiến mà ta không xác định được giặc là ai, không phải thứ "giặc" có thể nhìn nhận được bằng những hình hài cụ thể. "Giặc" ở đây là virus, là vô hình, nên mức độ nguy hiểm càng khó lường định, khó xác định được ranh giới giữa sự sống và cái chết. Trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm ấy mà các chiến sĩ, y, bác sĩ, cán bộ y tế lao vào cuộc chiến, quên mình, xả thân để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhà nước, thì họ rất xứng đáng được công nhận là liệt sĩ, thậm chí tùy vào tính chất, cấp độ dũng cảm của sự hy sinh, họ có thể được truy tặng danh hiệu anh hùng.

Theo dõi cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, có những người đã hy sinh hết lợi ích cá nhân. Tôi thấy có những y bác sĩ phải chia tay cả với đứa con thơ dại của mình, hy sinh tình cảm mẫu tử, trách nhiệm nghĩa vụ của người cha, người mẹ với con mình... Cũng có những bác sĩ lặng lẽ thực hiện nghĩa vụ cứu người trong khi nghe hung tin là bố, hoặc mẹ mình vừa qua đời. Họ đã dũng cảm ghìm nén cảm xúc đau thương tột độ để cứu chữa bệnh nhân. Lúc cứu người xong họ lăng lẽ rời ra một góc khuất để khóc, lúc đó đồng đội mới biết... Thực sự những hình ảnh đó rất xúc động.  

ĐBQH Lê Thanh Vân: Phong liệt sĩ cho cán bộ y tế tử vong khi chống dịch là “việc cần làm ngay” - Ảnh 2.

Các y, bác sỹ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm đối Covid-19 với người dân (Ảnh: LG).

Mới đây, trả lời báo giới về vấn đề này, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết đã nhận được đề xuất từ Công đoàn Bộ Y tế, nhưng vì đây là vấn đề lớn, do đó cần nghiên cứu kỹ, và sẽ đề xuất với các cơ quan chức năng khi "chín muồi". Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Tôi cho rằng nội dung ghi tại điểm h, khoản 1, Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định rất minh thị (thuật ngữ pháp lý có nghĩa là cho thấy rất rõ ràng rồi - PV), nên không cần phải giải thích hoặc đợi đến khi "chín muồi" mà không rõ "chín muồi" là chín muồi nội dung/vấn đề gì?

Đoạn văn trong quy định này có 2 cấu tạo mệnh đề tương ứng với 2 tình huống khác nhau, được phân biệt bởi chữ "hoặc" (như đã viện dẫn ở trên). Do vậy, những cán bộ y tế tử vong được xác định là đặc biệt dũng cảm để cứu người (ở đây là cứu Dân) thì được xét công nhận liệt sĩ.

 Ai cũng có thể nhận thấy, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 lần này, có nhiều lực lượng chức năng tham gia, nhưng lực lượng cán bộ y tế có sứ mệnh đặc biệt, bởi họ chính là những hạt nhân nòng cốt, đối diện với sự nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng cá nhân. Không những thế, nhiều người trong số họ đã gạt bỏ lợi ích cá nhân, tình cảm gia đình để toàn tâm, toàn ý thực hiện sứ mệnh cao cả là cứu người, cứu dân trong lúc nguy nan. Vì thế, họ cũng như bất cứ ai hy sinh vì lợi ích của Đất nước, của Nhân dân thuộc các đối tượng quy định tại Điều 14 của Pháp lệnh này đều xứng đáng được công nhận là liệt sĩ.

Vấn đề đặt ra hiện nay là tính thời sự trong việc xét truy tặng danh hiệu, một mặt để ghi nhận công lao của những cán bộ y tế đã dũng cảm hy sinh trong cuộc chiến chống lại đại dịch lần này, mặt khác động viên tinh thần, lan tỏa tấm gương, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh tinh thần cho những đồng chí, đồng đội của họ. Việc ghi công kịp thời của Tổ quốc, của Nhân dân đối với những tấm gương dũng cảm hy sinh trong lúc này cũng chính là nguồn động viên lớn lao đối với tất cả những người đang ở tuyến đầu chống dịch.

Tôi nghĩ là các cơ quan có thẩm quyền cần phải đưa vấn đề này ra để bàn bạc cho thấu đáo trong điều kiện khẩn trương và cần triển khai ngay.

Vậy theo ông có nên đưa nội dung này vào Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội vào tháng 10 tới để bàn thảo hoặc thậm chí có thể đưa ngay vào nội dung phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây?

- Như tôi đã nói ở trên, việc xem xét ưu đãi người có công với cách mạng hiện nay chưa được quy định bằng văn bản ở tầm một đạo luật. Vấn đề này đã được quy định cụ thể ở một Pháp lệnh thuộc thẩm quyền ban hành văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cho nên không cần thiết phải chờ đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội mới bàn việc đấy. Ngay bây giờ các cơ quan chức năng của Chính phủ, cụ thể ở đây là Bộ LĐTBXH có thể đề xuất ngay với Chính phủ, để theo thẩm quyền, Chính phủ tự mình xem xét, quyết định hoặc nếu xét thấy cần thiết, thì có thể ban hành hướng dẫn cụ thể theo quy định tại khoản 2, Điều 14 của Pháp lệnh này. Điều quan trọng hiện này là làm sao để kịp thời ghi nhận sự dũng cảm hy sinh lớn lao, rất có ý nghĩa của các chiến sĩ áo trắng – những y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.

Tôi nhắc lại, những hy sinh của các y bác sĩ trong chống dịch là vô cùng lớn, xứng đáng được Tổ quốc ghi công, bằng việc được Nhà nước công nhận liệt sĩ, hay truy tặng danh hiệu Anh hùng và đây là công cần phải làm ngay.

Xin cảm ơn ông!

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem