Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Áp lực ở cả thế giới ảo
Năm 2023-2024 mới bắt đầu được hai tháng, thế nhưng đã xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường khiến dư luận vô cùng bức xúc. Bên cạnh sự bức xúc chính là nỗi lo về những hành vi lệch chuẩn và tâm lý không ổn định của các em sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Nhiều ý kiến cho rằng học sinh ngày nay đang phải gánh chịu nhiều áp lực không chỉ ở thế giới thực mà cả thế giới ảo.
Nhìn nhận về vấn đề này, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho rằng qua tiếp xúc cử tri và thực tế thời gian qua, nhân dân rất quan tâm đến vấn đề này.
Phụ huynh trăn trở, lo lắng khi giới trẻ có những biểu hiện bất ổn, nhiều khi rất đau lòng như các vụ bạo lực học đường, tự tử. Mạng xã hội xâm nhập và tác động mạnh đến các em, thậm chí có tình trạng tạo nhóm để dụ dỗ, kích động tinh thần trên mạng.
Theo bà Ngọc, ở độ tuổi còn đang ngồi trên ghế nhà trường nên các em còn quá trẻ, va vấp xã hội chưa nhiều. Do đó, khi có những sai lệch trên mạng xã hội sẽ tác động rất lớn tới các em.
“Nếu như không vào cuộc tích cực, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương trong công tác giáo dục thế hệ trẻ cũng như tạo cho các em có một môi trường sống lành mạnh, hài hòa giữa học và chơi sẽ là điều đáng lo ngại”, bà Ngọc nói.
Bên cạnh đó, cần truyền thông để nhà trường, phụ huynh không nên đưa ra cho các em những mục tiêu quá cao. Cần tạo sự thoải mái trong quá trình học tập để các em tiếp cận được kiến thức nhưng không quá áp lực.
“Đã có những vụ tự tử rất thương tâm, các em không đáp ứng được mong mỏi của cha mẹ, hoặc bị áp lực vì những lời bàn tán trong đời thực và trên mạng xã hội”, bà Ngọc nói.
Đồng thời, nữ đại biểu này cho rằng cần tuyên truyền giúp cho các em hiểu và sử dụng internet, mạng xã hội một cách hiệu quả, phát huy được lợi ích cũng như biết cân nhắc, xử lý trước những mặt tiêu cực của không gian mạng.
Cha mẹ cũng phải thay đổi bản thân mình
Cũng chia sẻ thêm về vấn đề rèn luyện kỹ năng sống, bản lĩnh cho học sinh, bà Ngọc cho biết những năm gần đây, trước sự phát triển của kinh tế - xã hội cũng như sự du nhập của nền văn hóa, các trường đã bắt đầu quan tâm đến việc dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Các hoạt động này được triển khai dưới nhiều hình thức như: Liên kết với các đơn vị, trung tâm, lồng ghép trong các giờ học hoặc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp để học sinh có thể tham gia, thỏa sức sáng tạo, vui với niềm đam mê và có cơ hội thể hiện bản thân.
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư về vị trí việc làm trong nhà trường, trong đó có đề xuất thêm biên chế nhân viên tư vấn học sinh.
Nêu ý kiến của mình về dự thảo này, bà Ngọc cho rằng, trong bối cảnh kinh tế xã hội phát triển như hiện nay, đặc biệt là trong khi xu thế hội nhập quốc tế rất lớn việc có người phụ trách chuyên sâu về tư vấn tâm lý cho học sinh là điều rất tốt.
Họ là người được đào tạo bài bản, có chuyên môn về lĩnh vực này, lại trực tiếp ở trường nên có thể nắm chắc và theo sát được các vấn đề của học sinh.
Vì có chuyên môn và theo sát nên nhân viên tư vấn cũng có thể hiểu, nắm được tâm tư của học sinh, có thể gần gũi, chia sẻ, gợi mở được với các em nhiều hơn. Từ đó, đưa ra những giải pháp, tham mưu đưa ra phương pháp dạy học cũng như giúp nhà trường điều phối các chương trình dạy học. Có thể có những buổi tư vấn về tâm sinh lý, về sức khỏe, về giới...
"Nên, khi có giáo viên tâm lý học đường sẽ góp phần quan trọng để giúp cho các trường, đặc biệt là giúp cho các em học sinh có cách học, cách tiếp cận các vấn đề trong cuộc sống tốt hơn, chuẩn bị hành lang tốt hơn cho tương lai", bà Ngọc chia sẻ.
Ngoài ra, để phụ huynh có thể đồng hành cùng con, làm bạn và lấp đầy được khoảng cách thế hệ, hiểu con nhiều hơn, nữ đại biểu đoàn Hòa Bình cho rằng các gia đình nên dành thời gian nhiều hơn cho con. Ban ngày đi làm bận nhưng buổi tối, cha mẹ có thể trò chuyện, chia sẻ, động viên, hỏi xem việc học tập hôm nay thế nào, nay ở lớp có vấn đề gì không?, chơi với bạn bè ra sao? từ đó nắm bắt được tâm lý của con.
Thay vì đặt mình ở tâm thế là cha mẹ để áp đặt tư duy, suy nghĩ của mình lên con thì hãy coi con là người bạn và làm thế nào để con cũng coi mình là người bạn, để khi con gặp vấn đề gì đó ở trên lớp sẽ chủ động chia sẻ với cha mẹ.
"Trẻ rất cần sự động viên cũng như những kinh nghiệm của cha mẹ để hỗ trợ giải quyết đúng những vấn đề trong cuộc sống", bà Ngọc nhấn mạnh.
Việc thường xuyên quan tâm đến tâm tư, suy nghĩ của con cũng giúp cha mẹ có thể sớm cảm thấy, nhận ra những điều bất ổn ở con để kịp thời can thiệp nếu cần.
"Nhiều khi chính cha mẹ cũng phải tự nhìn lại, thay đổi bản thân mình. Trong guồng quay của kinh tế - xã hội hiện nay, nhiều gia đình, cha mẹ đều lao vào công việc, kiếm tiền nên thời gian dành cho gia đình cũng như cho con cái bị hạn chế.
Để giúp cho trẻ bớt áp lực, tránh những suy nghĩ và hành vi lệch lạc thì chỉ nhà trường là chưa đủ, cần sự chung tay của cả gia đình, cộng đồng. Trong đó gia đình là nền tảng, là cầu nối, là điều kiện đầu tiên tiên quyết để giúp cho trẻ có định hướng đúng", bà Ngọc nhấn mạnh.
Xây dựng “sức đề kháng” cho học sinh
Trước đó, trao đổi với báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra nhưng gần đây, một số vụ việc mức độ bạo lực và cách hành xử rất đáng lo ngại.Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, ông Vinh cho hay có nhiều nhưng một phần do tác động của phim ảnh, một phần do tác động từ mạng xã hội.
Để giải quyết vấn nạn này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho rằng cần phải xây dựng văn hóa học đường. Ngoài thời gian ở nhà, nhận sự giáo dục của gia đình, phần lớn trẻ nhận sự giáo dục của nhà trường, nên việc hình thành văn hóa học đường là giải pháp quan trọng.
Chúng ta cần xây dựng “sức đề kháng” cho các em, có định hướng về cách tiếp cận thông tin giúp các em tự nhận biết cái nào tốt, cái nào xấu. Từ chủ trương thành hành động đòi hỏi rất kiên trì bởi thay đổi nhận thức và hành vi con người là việc cần làm thường xuyên, liên tục, lâu dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.