Sáng 31.10, ngay sau phần trả lời của Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) đã tranh luận lại.
Theo ĐB Thức, Chánh án thông tin trong 2.000 đơn giám đốc thẩm đã giải quyết được 53% như vậy so với các nước là rất lớn, khá tốt. “Tôi cho rằng như vậy là chưa thoả đáng. Bởi vì chất lượng xét xử nước ta khác với nước ngoài”, ĐB Thức nói.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2018/images/2018-10-31/dai-bieu-tri-thuc-1497685481676-1540954100-width600height385.jpg)
Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa)
Lấy ví dụ về vụ án ông Vũ Bá Phê (Phú Yên) tranh chấp một con bê, sau đó tòa xử sai khiến ông tự tử, ĐB Thức cho rằng: “Các cơ quan tư pháp phải tốn kém hàng tỷ đồng cũng không cứu lại được mạng sống của ông Phê. Phía sau một lá đơn là số phận một con người, mỗi gia đình, dòng họ, không đơn giản là giải quyết một nửa là tốt lắm rồi. Tôi thấy rất băn khoăn”, ĐB Thức nói và mong muốn “những sai lầm trong lĩnh vực tư pháp chậm được sửa chữa”.
Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Thanh Thuỷ (Thanh Hoá) về giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế liên quan đến khởi kiện những vụ kiện hành chính, nhất là liên quan đến đất đai, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình thừa nhận, số lượng án hành chính tăng đều qua các năm, 11%/năm, chủ yếu liên quan đến đất đai, trong đó có nhiều vụ kiện rất khó giải quyết do nhiều nguyên nhân khác nhau. Số lượng án giải quyết được thấp, chỉ đạt 39% trong khi Quốc hội yêu cầu 80%, thời gian giải quyết kéo dài.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2018/images/2018-10-31/chanh-an-1540953989-width960height667.jpg)
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn sáng 31.10 (Ảnh: Lê Hiếu)
Theo Chánh án TAND tối cao, bên cạnh hạn chế từ phía toà án, những tồn tại này xuất phát từ các nguyên nhân chính là sự vắng mặt các cấp chính quyền nên khi giải quyết các vụ án sẽ bị xử hoãn. Khi xử vắng mặt bất lợi cho chính quyền thì chính quyền lại kháng án, gây kéo dài.
"Cần phải có giải pháp tổng thể như sắp xếp các toà án chuyên trách hợp lý, đề cao trách nhiệm của các chánh án. Về phía các cơ quan, UBND các cấp phải chấp hành nghiêm quy định của luật như phải cung cấp đầy đủ tài liệu cho người dân; tham gia các phiên đối thoại để giải quyết các tranh chấp. Đối với vụ kiện hành chính, UBND các cấp phải có mặt tại phiên toà đúng thành phần, đối tượng, yêu cầu của luật pháp; khi bản án có hiệu lực phải thi hành cho nghiêm túc", Chánh án TAND tối cao đưa ra giải pháp.
Bên cạnh đó, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng đề nghị Quốc hội đã đến lúc phải tổng kết Luật Hành chính và Luật Tố tụng hành chính, chỗ nào không hợp lý phải xem xét việc sửa chữa.
Tiếp tục trả lời câu chất vấn của ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về thời gian xét xử giám đốc thẩm quá dài, khiến người dân mất hi vọng, Chánh án TAND tối cao cho biết, đơn giám đốc thẩm, tái thẩm tăng rất nhiều trong năm 2018, trên 2.000 đơn giám đốc thẩm. Theo quy định của luật, việc thi hành chế độ xét xử sẽ qua 2 cấp: Sơ thẩm, phúc thẩm. Luật quy định chặt chẽ các điều kiện của giám đốc thẩm, tái thẩm để tránh xét xử cấp thứ 3.
"Trong năm chúng tôi giải quyết được 53% số đơn, đây là một kết quả nỗ lực của Hội đồng Thẩm phán. Việc kéo dài, lên giám đốc thẩm thì đã qua nhiều cấp rất mất nhiều thời gian. Đây là cơ hội cuối cùng của người dân nên phải xem xét thận trọng. Về giải pháp, chúng tôi không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng xét xử, đội ngũ cán bộ toàn án...Thời gian tới, TAND các cấp sẽ tăng cường độ làm việc để đẩy nhanh giải quyết, nâng cao chât lượng từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm để tránh khiếu kiện lên đến cấp giám đốc thẩm" - Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.