ĐBQH: Tránh kiểu phân bổ ngân sách theo "tư duy nhiệm kỳ"

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 29/03/2021 09:48 AM (GMT+7)
"Tới đây, Chính phủ cần rà soát, quán triệt đầy đủ tinh thần Luật Đầu tư công. Tránh vi phạm điều cấm là vượt quá sức chịu đựng của ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tuyệt đối tránh tư duy nhiệm kỳ trong việc phân bổ ngân sách", ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai phát biểu trước Quốc hội.
Bình luận 0

Sáng 29/3, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV tiếp tục làm việc tại hội trường để thảo luận về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước và Chính phủ.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) bày tỏ tự hào có một nhiệm kỳ Chính phủ với nhiều thành tích trong phát triển kinh tế xã hội.

"Trong bất kỳ thời khắc nào, Chính phủ với sự điều hành quyết liệt của Thủ tướng và tinh thần quyết tâm của từng thành viên, Chính phủ đã vượt qua mọi khó khăn để khẳng định uy tín của mình. Thành quả, cố gắng của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua rất đáng trân trọng", ĐB Vũ Thị Lưu Mai nói.

ĐBQH: Tránh kiểu phân bổ ngân sách theo "tư duy nhiệm kỳ" - Ảnh 1.

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đoàn Hà Nội. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Nêu một số vấn đề mà Chính phủ cần quan tâm thêm trong nhiệm kỳ tới, ĐBQH đoàn Hà Nội cho rằng, nhìn lại nhiệm kỳ qua thì việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Có nhiều dự án phải chuyển từ hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang hình thức 100% vốn ngân sách.

Hiện nay, tỉ lệ đầu tư từ khối tư nhân trong tổng vốn đầu tư thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt 45,6%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

"Vẫn biết đây là một vấn đề rất khó khăn, nhưng một Chính phủ kiến tạo thì phải biết phát huy được sức mạnh tổng hợp, huy động được mọi nguồn lực, khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi người dân. Tin rằng Chính phủ phải làm được điều này mới đủ sức đi đường dài, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của thế giới", ĐB Mai nhấn mạnh.

ĐBQH đoàn Hà Nội cũng cho rằng, về phân cấp trong đầu tư công, trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã ban hành nhiều luật nhằm phát huy tính chủ động của địa phương. Tuy nhiên, có nhiều quy định khi mới đi vào thực tiễn đã nảy sinh bất cập.

Ví dụ như Luật đầu tư công vừa sửa đổi năm 2019, đã giao thẩm quền cho chính quyền địa phương trong quyết định dự án chi tiết để đưa vào danh mục, nhưng ngay khi áp dụng nhiều địa phương đưa vào các dự án không đủ tiêu chí, hàng loạt dự án mới bổ sung trong khi đó nguồn lực ngân sách có hạn lại phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh.

Hiện nay số vốn đề xuất là 3,8 triệu tỷ đồng, trong khi đó nguồn lực dự kiến đầu tư từ phía Nhà nước chỉ có 2,7 triệu tỷ, vượt lên hơn 1 triệu tỷ. Điều này tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tới các nhiệm vụ Chính trị khác.

"Tới đây, Chính phủ cần rà soát, quán triệt đầy đủ tinh thần Luật Đầu tư công. Tránh vi phạm điều cấm là vượt quá sức chịu đựng của ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tuyệt đối tránh tư duy nhiệm kỳ trong việc phân bổ ngân sách", ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) cũng bày tỏ nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua. 

"Cử tri phấn khởi vì một Chính phủ quyết liệt, vì dân", đại biểu nêu rõ và nhắc tới các điểm sáng như hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng, xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính… "Trong dịch bệnh Covid-19, tinh thần đó đã lan tỏa khắp các địa phương".

Tuy nhiên, ĐB Hà Thị Lan cho rằng, cử tri vẫn băn khoăn về một số vấn đề trong thủ tục hành chính; nhiều vụ việc người dân vẫn phải làm đơn xin, đơn đề nghị chứ không phải là được phục vụ; vấn đề quản lý đất đai, tài sản công; khai thác cát sỏi lòng sông…

Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã rất quyết liệt trong hoạch định chính sách dân tộc, trình Quốc hội Đề án phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong giai đoạn 2021-2030, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai hiệu quả chương trình này trong thời gian tới.

"Những chuyển biến trong tinh thần phục vụ nhân dân đã được nhân dân ghi nhận, nhưng nhân dân mong tinh thần này tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ mới", ĐB Hà Thị Lan nói.

ĐBQH: Tránh kiểu phân bổ ngân sách theo "tư duy nhiệm kỳ" - Ảnh 2.

ĐBQH Võ Đình Tín đoàn Đắk Nông (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) quan tâm đến vấn đề giao thông, ông cho rằng, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ cần bổ sung những hạn chế về liên kết giao thông ở vùng Tây Nguyên từ đó có những giải pháp phù hợp để giúp Tây Nguyên có mạng lưới giao thông phát triển.

Cụ thể, Báo cáo của Chính phủ cho thấy, sự liên kết phát triển kinh tế xã hội vùng chưa được cao, các liên kết nội vùng còn bất cập. Một số dự án trọng điểm còn chậm, hạ tầng giao thông nhất là ở miền núi phía bắc, ĐBSCL chưa đáp nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

"Tôi cho rằng, cần bổ sung vùng Tây Nguyên. Vì Tây Nguyên cũng là địa bàn rất cần đầu tư hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm báo an ninh quốc phòng", ông Tín nói.

Theo ĐBQH đoàn Đắk Nông, hiện nay chỉ có Quốc lộ 14 đê kết nối với các vùng lân cận, nhưng QL này đang bị quá tải gây khó khăn trong việc lưu thông vận chuyển hàng hóa.

"Nếu Tây Nguyên không được quan tâm đúng mức về giao thông sẽ ảnh hưởng rất lớn về liên kết nội vùng và liên vùng. Điều này sẽ có nguy cơ tụt hậu về kinh tế xã hội so với các vùng khác", ông Tín nêu quan điểm

ĐBQH Võ Đức Tín kiến nghị Quốc hội khóa XV tới, Chính phủ nhiệm kỳ tới sớm cân đối điều chỉnh nguồn lực đầu tư, nâng cấp phát triển mạng lưới giao thông đường bộ cho các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2021 -2026, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc kết nối với các vùng lân cận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem