Làm việc với Hà Nội, Thủ tướng chỉ đạo xử lý các vấn đề để "trái tim cả nước" mạnh khỏe

Thành An Chủ nhật, ngày 28/03/2021 19:04 PM (GMT+7)
Làm việc với Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển Hà Nội để Hà Nội xứng đáng là “trái tim của cả nước” và chúng ta có trách nhiệm làm cho “trái tim cả nước” mạnh khỏe, nhịp đập đều và mạnh.
Bình luận 0

Chiều 28/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021.

Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng...

Làm việc với Hà Nội, Thủ tướng chỉ đạo xử lý các vấn đề để ‘trái tim cả nước’ mạnh khỏe - Ảnh 1.

Chiều 28/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021.

Chúng ta có trách nhiệm làm cho "trái tim cả nước" mạnh khỏe

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo phát triển Hà Nội để Hà Nội xứng đáng là "trái tim của cả nước".

Chúng ta có trách nhiệm làm cho "trái tim cả nước" mạnh khỏe, nhịp đập đều và mạnh, góp phần đưa cả nước tiến bước vì Hà Nội là 1 trong 2 đô thị đặc biệt của Việt Nam và đóng góp của Hà Nội rất quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ có cơ chế, chính sách phù hợp để Hà Nội phát triển trên tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội", đặc biệt là tạo điều kiện về nguồn lực để phát triển. Với tinh thần "cái gì làm được cho Hà Nội thì chúng ta nên làm".

Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội (Chủ tịch Hà Nội) Chu Ngọc Anh cho biết, sản xuất kinh doanh 3 tháng đầu năm 2021 của Hà Nội có tín hiệu khởi sắc rõ nét. GRDP ước tăng cao hơn cùng kỳ 2020 (quý I/2020 tăng 4,13%).

Hà Nội đầu tư 455 dự án công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 207.000 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Hà Nội, Đây là các dự án quan trọng cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông Thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giải quyết ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển KT-XH, tăng cường liên kết vùng và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô và các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Để thực hiện được nhiệm vụ, lãnh đạo Hà Nội đề nghị được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách, hỗ trợ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm.

Làm việc với Hà Nội, Thủ tướng chỉ đạo xử lý các vấn đề để ‘trái tim cả nước’ mạnh khỏe - Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc.

Chủ tịch Hà Nội kiến nghị nhiều vấn đề với Thủ tướng

Về việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 97/2019/QH14 đã được TP.Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ.

Ban soạn thảo dự thảo Nghị định biên soạn, thực hiện các thủ tục, lấy ý kiến các tổ chức, nhân dân. TP.Hà Nội đã tổ chức hội nghị, các phiên thảo luận để tiếp tục rà soát, trao đổi, bổ sung đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định và trình thẩm định và báo cáo giải trình với Hội đồng Thẩm định của Bộ Tư pháp theo đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh mong muốn Thủ tướng xem xét, sớm ký ban hành để Hà Nội triển khai thực hiện.

Báo cáo với Thủ tướng và đoàn làm việc, ông Chu Ngọc Anh cũng cho biết, vừa qua, Hà Nội đã phê duyệt 6 phân khu quy hoạch đô thị khu vực nội đô lịch sử (các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng), nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị từ 86% lên 96%.

Hà Nội cũng đã báo cáo Chính phủ và Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. 

Kiến nghị với Thủ tướng, lãnh đạo Hà Nội mong muốn được chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn TP lên 40% - 60%, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị Thành phố đặt trong mối quan hệ Vùng Thủ đô.

Đặc biệt tại đô thị trung tâm hoàn chỉnh phát triển cân đối, hài hòa tương xứng khu vực Bắc sông Hồng với Nam sông Hồng, lấy trục không gian xanh sông Hồng làm trung tâm. Nghiên cứu cấu trúc thành phố trong TP và thị xã trong thành phố cùng mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ.

Đề cập đến vấn đề chung cư cũ tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho hay, hiện nay Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ, hầu hết được xây dựng từ những năm 1960 đến 1992 tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử.

Hiện trạng quản lý, sử dụng phức tạp, xuống cấp nghiêm trọng; từ năm 2014 đến nay mới thực hiện cải tạo, xây dựng lại được 18 chung cư, tiến độ thực hiện chậm do có nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, về phương pháp tổ chức thực hiện.

Để thực hiện được chủ trương mang tính xã hội và yêu cầu tái thiết đô thị cao, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, chỉ đạo một số nội dung như cho phép TP.Hà Nội xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem