ĐBSCL: Hối hả đối phó mặn xâm nhập

Thứ sáu, ngày 09/03/2012 10:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mới đầu mùa khô, ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, nước mặn đã tiến sâu vào nội đồng từ 25 - 50km, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân và sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Nước mặn lấn sâu vào đất liền

Tại Bến Tre, độ mặn 4 ‰ đã xâm nhập sâu trên các sông Cổ Chiên, Cửa Đại, Hàm Luông khoảng 25km. Cụ thể, trên sông Hàm Luông mặn đã về đến xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm, trên sông Cổ Chiên, đã lên đến xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam. Sông Cửa Đại thì nước mặn đến xã Phú Vang, huyện Bình Đại. Dự báo, những ngày cuối tuần xâm nhập mặn tiếp tục lấn sâu vào đất liền, gây khó khăn cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

img
Người dân huyện Bình Đại (Bến Tre) đi xin nước ngọt về dùng.

Do nước mặn bao vây, nhiều hộ dân ở huyện biển Bình Đại (Bến Tre) đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Tại xã Thạnh Phước, gần 2.533 hộ thuộc 7 ấp đều thiếu nước ngọt phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Hiện người dân phải đi đổi nước ngọt với giá 100.000 đồng/xe (3m3).

Ông Phạm Thanh Sang – Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cho biết: “Năm nào cũng vậy, vào mùa khô, khi nước mặn xâm nhập sâu thì người dân thiếu nước ngọt nghiêm trọng nên phải mua nước giếng với giá cao mà chất lượng không đảm bảo. Biện pháp tạm thời hiện nay là lấy nước thô từ nhà máy nước trên sông Ba Lai (phục vụ nuôi thủy sản) cho bà con sử dụng nhưng số lượng cũng hạn chế do đường ống chỉ đi vào các tuyến chính…”.

Tại Trà Vinh, nước mặn đã theo các cửa sông lấn sâu vào đất liền. Trên sông Hậu, tại vàm Vàm Buôn, (huyện Trà Cú) độ mặn đã lên 6‰. Tại vàm Cầu Quan, (huyện Tiểu Cần) là 4,6‰. Trước đó cống Cần Chông và cống Mỹ Văn thuộc huyện Tiểu Cần buộc phải đóng cống ngăn mặn. Còn phía sông Cổ Chiên, độ mặn tới 3,7‰ đã về đến TP.Trà Vinh. Còn ở cống Láng Thé, huyện Càng Long là 1,6‰.

Hiện tại, tất cả các cống ngăn mặn đã đóng, chỉ còn 2 cống Rạch Rum và Cái Hóp, huyện Càng Long là mở để lấy nước ngọt từ phía Vĩnh Long theo hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít về phục vụ sản xuất. Tuy nhiên độ mặn 1‰ cũng đã xuất hiện theo triều cường phía bên ngoài 2 cống.

Tập trung ngăn mặn

Các địa phương ở ĐBSCL đang lên kế hoạch, tập trung để ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của bà con nông dân. UBND tỉnh Bến Tre đang tiếp tục đầu tư các công trình ngăn mặn tạm để giảm thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Trạm cấp nước Tân Mỹ (huyện Ba Tri) đã đầu tư gần 14 tỷ đồng để nâng công suất từ 165m3/giờ lên 330m3/giờ phục vụ bà con.

Ông Tống Văn Thành – Trưởng trạm cho biết: “Nhu cầu sử dụng nước ngọt của bà con sẽ rất lớn. Khi công suất nâng lên sẽ đáp ứng cho khoảng 10.000 hộ dân có nước sử dụng. Đặc biệt là ở khu đô thị, các địa phương ven biển bị nước nhiễm mặn…”.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, tại khu vực Bến Tre, từ tháng 3 đến tháng 5, độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập vào đất liền từ 50 - 55km.

Tại tỉnh Trà Vinh, Công ty Quản lý khai thác công trình thủy lợi đã chủ động giảm thiểu thiệt hại bằng cách lấy nước trữ đảm bảo mực nước ở nội đồng khoảng 0,5m ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang. Các cống trên địa bàn huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành được đóng lại để ngăn mặn, hạn chế tối đa việc xả nước nhằm đảm bảo mực nước trong vùng nội đồng.

Theo phương án vận hành, đến thu hoạch dứt điểm lúa đông xuân 2011 – 2012, sẽ mở cống ra tiếp nước khi độ mặn dưới 1,5‰, từ 1,5‰ trở lên thì sẽ đóng lại để phục vụ sản xuất. Đồng thời, tùy theo từng điều kiện cụ thể sẽ tổ chức vận hành theo nhu cầu để phục vụ sản xuất, giao thông, cải tạo môi trường nước…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem