ĐBSCL: Khan hiếm cá tra giống

Thứ năm, ngày 05/05/2011 11:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chưa khi nào nguồn cá tra giống có chất lượng để cung cấp cho vùng nuôi thủy sản ĐBSCL đang khan hiếm, thiếu hụt trầm trọng như hiện nay.
Bình luận 0

Cung không đủ cầu

Chạy dài dọc Quốc lộ 91 (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) chúng tôi ghi nhận có hàng chục cơ sở ương cá giống đủ loại: Cá tra, điêu hồng, cá rô, cá trê… Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề hỏi mua con giống cá tra để về thả nuôi thì chỉ nhận được những cái lắc đầu, tiếng thở dài từ các chủ cơ sở ương giống.

img
Nguồn cá tra giống hiện nay hết sức khan hiếm.

Bà Nguyễn Thị Nụ - chủ cơ cở cá giống Hằng Hải (phường Thới Hòa, quận Ô Môn) cho biết, bà đã ngừng ương cá tra giống, dù hàng ngày vẫn có rất nhiều người đến hỏi mua giống. Bà Nụ kể: "Năm 2009, 20 tấn cá tra giống sắp tới ngày xuất thì đột ngột chết, lỗ gần cả tỷ đồng. Tiếp đến, năm 2010 thả ươm 15 tấn, lỗ thêm 300 triệu". Cũng theo bà Nụ, tỷ lệ ương thành công của cá tra ngày càng thấp dần do môi trường ô nhiễm, cá giống kém chất lượng,… khiến các cơ sở ương giống ngán ngại.

Tình trạng cá tra giống khan hiếm, cung không đủ cầu, một số ít cơ sở bắt đầu thả ương giống trở lại nhưng phải đến 2 tháng sau mới có thể xuất thả nuôi được. Ông Ba Học - chủ cơ sở cá giống Ba Học (phường Long Hưng, quận Ô Môn) cho biết: Cơ sở vừa thả ương lại được gần một tháng sau thời gian nghỉ ương giống cá tra. Hiện giá cá giống loại 1,2- 1,5 phân giá 800- 900 đồng/con, loại 2 phân 1.700 đồng/con, tăng 500-1.000 đồng/con so với năm trước.

Tại Đồng Tháp, An Giang, giá cá tra giống cũng đã tăng thêm 20% so với mấy tháng đầu năm nhưng hiện nay vẫn không đủ bán. Cá giống loại 1,2 phân giá 750- 850 đồng/con, loại 1,5 phân giá 1.000 đồng/con. Một chủ cơ sở cá giống ở An Giang cho rằng: Sở dĩ tỷ lệ ương cá giống hao hụt cao là do cá bố mẹ bị chích thuốc "ép đẻ" quá nhiều và đàn cá bố mẹ bị suy thoái.

Nước đến chân mới nhảy!

Nhằm nâng cao chất lượng cá tra giống, góp phần vào thực hiện thành công chương trình phát triển cá tra của tỉnh đến năm 2020, Vĩnh Long đã triển khai Dự án "Chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá tra có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng cho các tỉnh ĐBSCL", do Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long làm chủ đầu tư.

Chất lượng giống cá tra những năm gần đây có dấu hiệu suy thoái, nguyên nhân chất lượng đàn cá bố mẹ không đảm bảo. Một bộ phận trại sản xuất giống nhân tạo do sức ép cạnh tranh về thị trường nên cố tình bắt cá đẻ ép, đẻ nhiều lần trong năm, lai cận huyết. (Theo Tổng cục Thủy sản)

Dự án sẽ được thực hiện tại Trại Giống thủy sản Vĩnh Long (thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long) ở ấp Tân Hạnh, xã Tân Hội (TP. Vĩnh Long), trong năm 2011-2012 với 3.000 con cá tra bố mẹ có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng, được tiếp nhận từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Cục Nuôi trồng thủy sản). Tổng kinh phí dự kiến thực hiện dự án là trên 1 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: Đến cuối năm 2011 sẽ chuyển giao 100.000 con cá tra hậu bị cho ĐBSCL. Năm 2011, diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL từ 6.000- 6.300ha, sản lượng giống cần 2,5- 2,6 tỷ con. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, đàn cá hậu bị đang được nuôi dưỡng tại Viện phát triển khá tốt. Cuối năm 2011 sẽ chuyển giao về các địa phương để thay thế đàn cá bố mẹ, tiến đến nâng cao chất lượng cá tra thương phẩm trên thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem