ĐBSCL: Nông sản ế ẩm, giá giảm mạnh

Thứ hai, ngày 18/06/2012 16:02 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giá cả và tiêu thụ nông sản ở các tỉnh vùng ĐBSCL lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thời gian gần đây, khi thương lái nước này ngừng thu mua, các loại nông sản ế ẩm và liên tục sụt giảm giá...
Bình luận 0

Lúa tồn đọng, giảm chất lượng

Vụ lúa hè thu ở ĐBSCL đang thu hoạch rộ nhưng nông dân kém vui vì giá lúa liên tục giảm. Tại các cánh đồng ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang… thương lái đang thu mua lúa tươi ngay tại ruộng với giá từ 3.800 - 4.100 đồng/kg (giảm 200 đồng/kg so với đầu tuần trước).

img
Trái chôm chôm chất đống ven đường với giá bán rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Phương Thịnh (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) buồn bã: “Vụ hè thu năm nay, nông dân chỉ huề vốn do giá lúa thấp. Đồng thời, giống IR 50404 do mưa dầm ngay trong thời điểm thu hoạch, hạt lúa kém chất lượng, bị thương lái ép giá nên nông dân càng thiệt…”. Ông Nguyễn Công Lý – chủ máy gặt đập liên hợp đang gặt thuê ở tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tiến độ thu hoạch lúa phụ thuộc rất nhiều vào việc thu mua của thương lái. Thông thường, nông dân thỏa thuận giá cả với thương lái, bán xong mới thống nhất ngày gặt và bán lúa tươi ngay tại ruộng. Nếu thương lái chậm thu mua thì lúa ngay lập tức dồn ứ ngoài đồng”.

Thị trường lúa gạo ảm đạm khiến cho cánh thương lái không dám thu mua vào vì càng mua nhiều càng lỗ nặng khi giá giảm. Ông Trần Văn Phương – thương lái thu mua lúa ở tỉnh Đồng Tháp nhận định: “Khoảng gần 1 tuần qua, giá lúa liên tục giảm. Hiện lúa IR50404 có giá 4.100 đồng/kg (lúa tươi), lúa hạt dài 4.200 đồng/kg. Chính việc tiêu thụ khó khăn khiến lượng lúa tồn trong dân rất lớn. Khi lúa chín, nông dân bắt buộc phải thu hoạch đem về nhà tự phơi, sấy trong điều kiện thời tiết khó khăn nên phẩm chất hạt lúa càng xuống thấp.

Theo nhiều nông dân trong vùng, giá lúa liên tục giảm trong thời gian vừa qua có nguyên nhân là do thời gian gần đây thương lái Trung Quốc không còn thu mua mạnh như trước đây. Hệ quả là nhiều thương lái nội cũng không còn mặn mà thu mua và đưa ra chiêu ép giá nông dân…

Trái cây tràn ra hè đường

Dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) là mùa tiêu thụ trái cây ở ĐBSCL. Hàng năm, nhà vườn xử lý để cho ra trái chín vào dịp này sẽ có giá cao vì thị trường tiêu thụ nội địa và cả xuất khẩu khá lớn. Tuy nhiên, năm nay thì hoàn toàn ngược lại, các loại trái cây đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… đều giảm giá từ 30- 40% so với cùng kỳ năm rồi. Hiện tại, chôm chôm chỉ có giá hơn 6.000 đồng/kg, sầu riêng cơm vàng hạt lép giá từ 18.000- 19.000 đồng/kg, măng cụt giá 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Hầu hết các loại nông sản ở khu vực ĐBSCL như: Dừa khô, khoai lang, khóm và các loại trái cây đặc sản khác đang phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy, khi thương lái Trung Quốc hạ giá thu mua, hay không thu mua nữa thì lập tức giá rớt xuống tận đáy.

Ông Nguyễn Văn Được ở xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho hay: “Chôm chôm Java bán tại vườn chỉ có khoảng 6.000 đồng/kg. Với giá này sau khi trừ chi phí phân, thuốc, nylon đậy gốc để xử lý ra hoa, công thu hoạch… thì nhà vườn không còn lời đồng nào. Theo nhiều nhà vườn, chôm chôm rớt giá mạnh là do thị trường xuất khẩu Trung Quốc năm nay giảm mạnh. Những ngày này, tại các tỉnh ĐBSCL, nhiều nhà vườn đổ trái cây thành từng đống ngay lề đường để bán lẻ vì không bán buôn được.

Huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) là vùng trồng chuyên canh măng cụt từ lâu đời với trên 500ha, năm nay chịu cảnh vừa mất mùa, vừa mất giá. Ông Nguyễn Hữu Bình – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Cầu Kè cho biết: “Do thời tiết không thuận lợi nên làm măng cụt giảm năng suất từ 20-30%. Trước đây bình quân 1ha cho năng suất khoảng 11 tấn thì năm nay giảm chỉ còn 8 tấn. Đồng thời, giá bán cũng giảm khiến cho nhà vườn chịu cảnh thất thu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem