Rải vụ để tránh “dội chợ”
Gia đình ông Nguyễn Thanh Trọng ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) đang thu hoạch 5 công (1 công = 1.000m2) cam sành chỉ bán được với giá 4.500 đồng/kg.
|
Trái cây vùng ĐBSCL luôn chịu cảnh rớt giá khi vào mùa thu hoạch rộ. |
Ông Trọng buồn rầu: “Hiện nay đang vào mùa thu hoạch cam sành nên cam đầy chợ, bán không được bao nhiêu. Vậy mà, mới cách đây 4 tháng, giá cam lên đến 30.000 đồng/kg mà nhà vườn không có để bán”. Theo ông Trọng, với giá cam rẻ như hiện nay thì sau khi thu hoạch, trừ chi phí, công chăm sóc... nhà vườn chỉ thu về từ hòa vốn đến lỗ.
Không chỉ riêng cây cam sành, ở ĐBSCL có rất nhiều loại cây đặc sản khác như xoài, nhãn, thanh long, chôm chôm… luôn gặp cảnh “dội chợ”, giá giảm mạnh khi vào thu hoạch rộ. Nông dân Lê Văn Phải ở xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Một số nơi người ta còn kêu người vào vườn hái trái không lấy tiền vì tiền bán trái cây không đủ để trả công thu hoạch…”.
Mấy năm nay, nông dân vùng ĐBSCL đã chú ý đến việc xử lý cho cây ra trái nghịch vụ nhằm bán giá hơn, đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường khi “tránh” được một số trái cây cùng loại ở các khu vực khác, thậm chí cả trái cây Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Chinh - nhà vườn trồng chôm chôm ở xã Sơn Định (huyện chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Tôi có 1ha vườn trồng cây chôm chôm, từ nhiều năm qua đã xử lý cho ra trái vụ. Khi cho trái vụ năng suất không cao nhưng ngược lại giá cả cao hơn từ 2 - 3 lần nên hiệu quả kinh tế khá cao”.
Tránh lạm dụng chất hóa học
Bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bến Tre cho biết: “Trong những năm qua, nhiều nhà vườn trong tỉnh đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất rải vụ rất thành công, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, ổn định diện tích sản xuất”. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn cho rằng nếu sản xuất rải vụ thì việc sử dụng thuốc hóa học làm ảnh hưởng chất lượng trái và tuổi thọ cây giảm xuống.
Theo TS Lê Văn Hòa, trong thực tế rải vụ đã phát sinh ra nhiều bệnh mới, vì vậy cần phải có phương pháp và biện pháp phòng ngừa kịp thời. Mặt khác, rải vụ là làm cho cây sinh sản không thuận lợi, vì vậy phải quan tâm đến các rủi ro làm ảnh hưởng đến năng suất, chi phí sản xuất.
Ông Nguyễn Phương Bình – cán bộ khuyến nông xã Thuận Thới (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Phần lớn nông dân ở đây đều xử lý kỹ thuật để cho ra trái vụ nghịch, bán được giá cao hơn rất nhiều so với vụ thuận. Tuy nhiên, tuổi thọ của cây thì giảm xuống so với các vùng khác”.
Còn TS Lê Văn Hòa - khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ) lo ngại: Vấn đề sản xuất trái cây rải vụ là rất tốt, tuy nhiên phải dựa theo điều kiện tự nhiên, tránh việc xử lý chất hóa học làm ảnh hưởng không tốt đến sức sống của cây.
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.