Đây được xem là “đợt thay máu” quy mô nhất nhằm cải thiện chất lượng đàn cá tra giống cho ĐBSCL.
Đánh dấu để truy xuất nguồn gốc cá
Theo ông Nguyễn Văn Sáng - Phó Viện trưởng Ria 2, đàn cá tra hậu bị này được đánh dấu để có thể truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.
|
ĐBSCL đang hướng tới xây dựng một đàn cá tra giống chất lượng và truy xuất được nguồn gốc. |
Cụ thể, mỗi con cá bố mẹ sẽ được gắn một thẻ Tag dài 2cm trên lưng cá, ghi tuổi cá, nơi sản xuất, mã số,… Lợi ích lâu dài của việc đánh dấu này sẽ giúp các nhà máy chế biến cá tra có thể truy xuất được nguồn gốc của từng lô hàng mình xuất khẩu, một điều kiện mà các nước nhập khẩu cá tra bắt buộc phải có trong thời gian tới. Ngoài ra, nó còn có thể giúp theo dõi số lần sinh sản trong năm của cá nhằm mục đích giúp cá bố mẹ sinh sản được con giống khỏe mạnh.
“Để cá giống đạt chất lượng, mỗi cá bố mẹ chỉ được sinh sản 2 lần/năm. Trong khi đó, hiện nay ngoài thị trường do lợi nhuận các trại giống đều ép cá bố mẹ đẻ nhiều lần trong năm khiến chất lượng cá giống kém chất lượng” – bà Phạm Thị Thu Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long nói.
Tỉnh Vĩnh Long là tỉnh đầu tiên nhận 10.000 cá tra bố mẹ hậu bị chuyển giao từ Ria 2. Theo bà Hồng, chi cục đã chuyển giao hết 10.000 con cá này cho các trại giống địa phương. “Chúng tôi cũng chuyển giao cả kỹ thuật nuôi cá cho các trại và định kỳ đều có những đợt xuống kiểm tra chất lượng thường xuyên để đảm bảo sẽ có được một đàn cá tra giống chất lượng cung cấp cho người dân trong 1, 2 năm tới” – bà Hồng khẳng định.
“Thay máu” dần dần
Ông Phạm Trường Yên - Phó Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi thủy sản TP. Cần Thơ cho biết ngay từ đầu năm 2012, Trung tâm đã nhận 1.000 con cá tra hậu bị từ Ria 2. Đàn cá khi nhận về đạt trọng lượng trung bình 1,1 kg/con và đang được nuôi vỗ để thay thế dần đàn cá bố mẹ đã bị thoái hóa, đáp ứng nhu cầu cung cấp cá bột chất lượng cho TP. Cần Thơ.
Việc phát triển đàn cá tra bố mẹ hậu bị cung cấp cho các địa phương là một phần của kế hoạch dài hạn mà Bộ NNPTNT đưa ra từ đầu năm 2010. Kinh phí cho chương trình này vào khoảng 350 tỷ đồng với mục đích gầy dựng được một đàn cá tra giống chất lượng lâu dài cho ĐBSCL
Hiện mỗi năm ĐBSCL cần khoảng 1,8 – 2,4 tỷ con cá tra giống và Ria 2 cho rằng với việc chuyển giao này, nếu các địa phương nuôi dưỡng tốt sẽ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu cá tra giống của người dân ĐBSCL trong vài năm tới.
Ông Sáng cho biết Ria 2 sẽ tiếp tục chuyển giao thêm cho 9 tỉnh ĐBSCL từ 30.000 - 40.000 cá tra bố mẹ/năm trong 2, 3 năm kế tiếp để thay thế những cá bố mẹ có chất lượng trứng, tinh trùng thấp.
Bên cạnh đó, để từng bước cải thiện chất lượng cá giống, chi cục thủy sản các tỉnh còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ sản xuất cá tra giống về kỹ thuật ương giống, mật độ thả cá, cách thức phòng trị bệnh,…
Theo GS-TS Nguyễn Thanh Phương (khoa Thủy sản ĐH Cần Thơ) thì nguyên nhân tỷ lệ cá sống thấp là do mật độ thả quá cao, thức ăn không phù hợp và việc dùng quá nhiều các loại thuốc, hóa chất trong phòng trị bệnh cho cá. “Vì vậy cần phải bổ sung thức ăn tự nhiên, khoáng vi lượng vào thức ăn cho cá để tăng tỷ lệ sống” – Giáo sư gợi ý.
Ngoài ra, Chi cục Thủy sản Cần Thơ còn tiến hành hướng dẫn một số hộ sản xuất cá tra giống thực hiện nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP, SQF, BMP,... để đảm bảo chất lượng cho nguồn cá giống khi cung cấp ra thị trường.
Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.