ĐBSCL: Tiền tỷ trôi theo... nghêu

Thứ hai, ngày 11/04/2011 15:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mấy ngày qua, người nuôi nghêu ở Tiền Giang và Bến Tre như ngồi trên lửa khi nghêu chết hàng loạt.
Bình luận 0

Nhiều bãi nghêu của HTX nghêu Đồng Tâm và Rạng Đông ở huyện Bình Đại, HTX nghêu Bảo Thuận, An Thủy, Tân Thủy ở huyện Ba Tri (Bến Tre) chết khoảng 20 - 30%. Còn sân nghêu rộng hơn 1.200ha ở biển Tân Thành (Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) chưa tới lứa thu hoạch cũng chết trắng cả bãi biển...

img
Xác nghêu chết nổi trắng bãi biển Tân Thành (ảnh chụp chiều 9.4).

Đứt ruột nhìn nghêu chết

Dẫn chúng tôi đi dọc bãi nghêu, ông Hai Rum - canh tác hơn chục ha nghêu ở xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), rầu rĩ: “Nghêu của tôi chết hơn 40% rồi. Nếu tình hình không cải thiện chắc chuyến này gia đình tôi đứt vốn.

Cùng thời điểm này năm ngoái, tôi đã thiệt hại gần nửa tỷ bạc vì nghêu chết trắng. Vay vốn ngân hàng hy vọng năm nay gỡ lại nhưng giờ nghêu lại ngã ra chết mà không rõ nguyên nhân. Hơn 170 chủ sân nghêu ở Tân Thành cũng đang kêu trời vì nghêu chết hàng ngày”.

img Năm nay chủ sân nghêu Tân Thành tiếp tục lâm cảnh khó khăn, bởi mùa nghêu năm 2010 toàn xã có đến 900ha sân nghêu bị thiệt hại nặng, hơn 240 tỷ đồng trôi theo nước biển. img

Sau khi nhận tin báo của người dân, UBND xã Tân Thành đã lên danh sách các hộ thiệt hại để tìm cách khắc phục. Hiện, ở một số sân diện tích thả nuôi lớn, mỗi nông dân tính sơ sơ thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Như ông Phan Văn Hải nuôi 11ha, chết đến 90%; ông Phan Văn Sầy có 6ha, bị chết 80%; ông Nguyễn Văn Chính nuôi 2ha, bị chết 70%...

Theo danh sách của UBND xã lập, đến giữa tháng 3 này đã có khoảng 160ha nuôi nghêu xảy ra hiện tượng nghêu chết ồ ạt. Toàn bộ diện tích 1.200ha sân nghêu của xã đã xuất hiện hiện tượng nghêu chết lai rai, nơi ít thì 5-10%, nơi nhiều 80-90% lượng nghêu thả nuôi.

Tại Bến Tre, ông Nguyễn Văn Bụi - Phó phòng Khoa học kỹ thuật (Sở NNPTNT Bến Tre) cho biết, các sân nghêu của HTX nghêu Đồng Tâm, HTX nghêu Rạng Đông ở huyện Bình Đại, HTX nghêu Bảo Thuận, An Thủy, Tân Thủy ở huyện Ba Tri cũng xuất hiện tình trạng nghêu chết. Ước tính sơ bộ ban đầu đã có khoảng 20 - 30% nghêu thả nuôi bị chết. Loại nghêu 1.200 - 1.500 con/kg chết nhiều hơn nghêu thương phẩm.

Nghêu chết do đâu?

Theo ông Nguyễn Huỳnh Đức - Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành và cũng là một chủ sân nghêu, năm nay gió chướng mạnh bất thường và kéo dài, nhiệt độ nước và độ mặn của nước biển quá cao nên con nghêu chịu không nổi, thi nhau chết.

Nhiều “chuyên gia” nuôi nghêu ở Tân Thành khẳng định, con nghêu rất “nhạy” với thời tiết. Chỉ cần thấy nghêu tự vùi xuống cát là dân biển biết sắp có gió chướng. Nghêu sẽ vùi đến khi nào gió đổi hướng mới chịu trồi lên. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, sau vài ngày nghêu sẽ tự phục hồi và sống. Tuy nhiên, do thời gian qua gió chướng liên tục thổi nên nghêu chết luôn trước khi kịp trồi lên khỏi cát.

Nhưng theo ông Trịnh Công Minh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, các quan trắc của ngành chuyên môn từ đầu tháng 3.2011 đến nay, ở khu vực sân nuôi nghêu Tân Thành, độ mặn, nhiệt độ và môi trường nước chưa có gì bất thường. Hiện mẫu nghêu chết đã được sở này gửi đến Viện Nghiên cứu Thủy sản 2 để xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân.

“Cho nên đến giờ này vẫn chưa có thể nói chính xác năm nay nghêu chết ồ ạt vì điều gì. Hiện chúng tôi đang nghi nghêu bị nhiễm bệnh và đã yêu cầu cán bộ thú y thủy sản xem xét” - ông Minh nói.

Ông Nguyễn Văn Bụi cũng cho biết, nghêu chết ở Bến Tre một phần do mật độ nuôi trên các bãi quá dày. Đáng chú ý là các cơ quan chuyên môn còn phát hiện vi khuẩn Perkinsus trên các bãi nuôi nghêu, là tác nhân gây bệnh cho nghêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem