ĐD Hoàng Nhật Nam nói gì về việc "bị toà án bác đơn kiện ĐD Việt Tú"?

Thanh Hà (thực hiện) Thứ tư, ngày 15/08/2018 14:36 PM (GMT+7)
Trước thông tin đạo diễn Hoàng Nhật Nam bị Toà án Q. Bình Thạnh TP HCM bác đơn kiện đạo diễn Việt Tú trong vụ tranh chấp bản quyền giữa hai vở diễn “Ngày xưa” và “Tinh hoa Bắc bộ”, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã trả lời Dân Việt về việc này.
Bình luận 0

Thưa đạo diễn Hoàng Nhật Nam, được biết ngày 24.5.2018 Toà án Q. Bình Thạnh đã không chấp nhận giải quyết đơn kiện của anh với đạo diễn Việt Tú về hành vi xúc phạm danh dự. Thưa anh sự việc này có đúng không, cảm xúc của anh  thế nào?

- Đây là một thông tin không đúng sự thật. Hoàn toàn không có chuyện Tòa án Nhân dân quận Bình Thạnh “không chấp nhận giải quyết đơn kiện” của tôi hay tôi “bị tòa bác đơn kiện” mà  cần thông tin chính xác rằng: Tòa án Bình Thạnh đã thụ lý đơn khởi kiện của tôi đối với Việt Tú (tôi đã đóng án phí và tòa đã có thông báo thụ lý) nhưng vì Tòa án Bình Thạnh cho rằng thẩm quyền giải quyết vụ án là của Tòa án Nhân dân Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội nên đã chuyển hồ sơ vụ án ra Tòa án Quận Hoàn Kiếm.

img

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam.

Trong vụ án này, chúng tôi xác định là quan hệ “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, do đó căn cứ tại khoản 1, điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản Điều 40 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 tôi đã kiện ông Việt Tú tại Tòa án Quận Bình Thạnh (tức kiện theo địa chỉ của nguyên đơn). Tuy nhiên, Tòa án Bình Thạnh lại cho rằng trường hợp này phải kiện theo địa chỉ của bị đơn (tức nơi ở của ông Việt Tú) nên đã chuyển hồ sơ kiện ra Tòa án Quận Hoàn Kiếm.

Như vậy, để trả lời câu hỏi trên chúng tôi có thể khẳng định rằng bản thân tôi (Hoàng Nhật Nam) vẫn đang kiện Việt Tú vì bị xúc phạm về danh dự, uy tín. Có điều hiện nay hồ sơ vụ án đã chuyển ra Tòa án Hoàn Kiếm. Việc chuyển hồ sơ này là chưa đúng pháp luật nên đội ngũ luật sư của chúng tôi đã gửi đơn thư khiếu nại đến Tòa án Hoàn Kiếm yêu cầu chuyển hồ sơ về lại Tòa án Bình Thạnh theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 40 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, hoàn toàn không có chuyện Tòa án Nhân dân Quận Bình Thạnh “không chấp nhận giải quyết đơn kiện” của tôi hay tôi “bị tòa bác đơn kiện”.

Trong buổi họp báo chiều ngày 10.8, đạo diễn Việt Tú cho rằng vở “Tinh hoa Bắc bộ” có sự giống với vở “Ngày xưa” hay còn gọi là vở “Thưở ấy Xứ Đoài”.  Cụ thể đạo diễn Việt Tú tung ra một đoạn video so sánh hình ảnh của hai vở và cho rằng vở “Tinh hoa Bắc Bộ” nhiều điểm giống từ sân khấu, các em nhỏ, tới đạo cụ, trang phục, bố trí bối cảnh, ánh sáng, âm nhạc, múa rối nước…với vở “Ngày xưa”. Vậy anh nghĩ như thế nào trước lời khẳng định và bằng chứng này của đạo diễn Việt Tú?

- Đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, sáng tạo là một điều tất yếu và sáng tạo cũng là tiêu chí quyết định tác phẩm có được bảo hộ hay không. Hiện nay, tôi và bà Đào Thuỵ Phương Thảo đã được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm “Tinh hoa Bắc bộ”. Đây là sự khẳng định của Cục Bản quyền tác giả đối với sự sáng tạo của chúng tôi. Bản thân tôi là một đạo diễn nhiều năm trong nghề, tôi cũng không mong muốn những người đồng nghiệp đều là những người cống hiến hết mình cho nền văn hoá Việt Nam lại mang những sản phẩm sáng tạo của mình ra để bàn tán, chỉ trích vì tôi cho rằng mọi hoạt động sáng tạo đều cần được tôn trọng và tôn vinh.

Thế nhưng đạo diễn Nguyễn Việt Tú cho rằng tác phẩm của chúng tôi sao chép từ tác phẩm “Ngày xưa”, không ngừng đả kích và thường xuyên đưa ra nhiều đánh giá cá nhân thậm chí còn công khai quan điểm trên phương tiện truyền thông gây ra không ít sự hiểu lầm cho dư luận. Trên thực tế, để xác định một tác phẩm có sao chép hay không, không phải là một điều dễ dàng mà cần phải căn cứ vào các quy định pháp luật chuyên ngành và được đánh giá bởi những cơ quan chuyên môn.

Hiện tại vụ việc đang được Toà án có thẩm quyền thụ lý giải quyết. Tôi tin tưởng Toà án sẽ dựa trên các quy định pháp luật để đưa ra phán quyết công bằng cho cả hai bên. Vì vậy, tôi xin phép không nếu ra bình luận vì mọi đánh giá của người trong cuộc về “Tinh hoa Bắc bộ” và “Ngày xưa” tại thời điểm này chỉ là những ý kiến mang tính chất chủ quan.

img

Đạo diễn Nguyễn Việt Tú

Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, “Tinh hoa Bắc Bộ” nhận được hai kỷ lục của Tổ chức Guinness Việt Nam là về Sân khấu và nhiều nông dân địa phương tham gia phải thuộc về đạo diễn Việt Tú, thuộc về người sáng tạo đầu tiên của vở thực cảnh đầu tiên “Ngày xưa”, còn đạo diễn Hoàng Nhật Nam chỉ là kế thừa. Vậy anh nghĩ như thế nào về nhận xét này của tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái?

Tôi tin rằng tổ chức Guiness Việt Nam là một tổ chức chuyên nghiệp và họ có những căn cứ, tiêu chí và đánh giá mang tính chất khách quan khi công nhận một kỷ lục. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Tinh Hoa Bắc Bộ có thể nhận được hai kỷ lục về “Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam” và “Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam” mà nó đã phải trải qua sự kiểm chứng, xác minh gắt gao từ phía tổ chức Guiness Việt Nam.

Có thể, trong dư luận tồn tại nhiều ý kiến cá nhân liên quan đến hai kỷ lục của “Tinh hoa Bắc Bộ”, tuy nhiên theo tôi việc thể hiện ý kiến mà không gây ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người khác là quyền của mỗi công dân, nên tôi sẽ tôn trọng những ý kiến đó.

Với những bằng chứng là video so sánh giữa “Tinh hoa Bắc bộ” và “Ngày xưa” mà đạo diễn Việt Tú cung cấp cho báo chí, thì kế hoạch tới của anh sẽ như thế nào để phản bác lại bằng chứng của đạo diễn Việt Tú?

- Với câu hỏi này tôi xin trả lời 2 ý:

Thứ nhất, về pháp lý, chúng tôi nhận thấy rằng phía ông Việt Tú đã có sự nhầm lẫn rất nghiêm trọng giữa các loại tác phẩm, đó là:

 Ông Việt Tú đã nhầm lẫn giữa loại tác phẩm là kịch bản chương trình với loại tác phẩm là vở diễn;

 Ông Việt Tú đã nhầm lẫn giữa loại tác phẩm là kịch bản chương trình với loại tác phẩm là các bản vẽ thiết kế, bản vẽ mỹ thuật, quy hoạch không gian, công trình xây dựng, công trình mỹ thuật … 

Để xác định một tác phẩm có sao chép từ tác phẩm khác hay không, Khoản 3 và Khoản 5 Điều 7 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định cần phải so sánh hai tác phẩm đó với nhau trên cơ sở “phạm vi bảo hộ quyền tác giả được xác định theo hình thức thể hiện bản gốc tác phẩm”. Nghĩa là, phía ông Việt Tú nếu muốn nói rằng kịch bản chương trình “Tinh hoa Bắc bộ” của chúng tôi là sản phẩm của sự sao chép thì phía ông Việt Tú cần phải chỉ ra được tác phẩm viết (cùng hình thức thể hiện, vì tác phẩm của chúng tôi cũng là tác phẩm viết) mà chúng tôi đã dựa vào đó để sao chép, đồng thời chỉ ra các phần giống nhau giữa hai tác phẩm đó. 

Việc phía ông Việt Tú đưa ra các lý luận về điểm giống nhau dựa trên vở diễn, các bản vẽ thiết kế, bản vẽ mỹ thuật, quy hoạch không gian, công trình xây dựng, công trình mỹ thuật (chỉ đặt vấn đề một cách rất chung chung, không có các bằng chứng cụ thể) để khẳng định kịch bản chương trình “Tinh hoa Bắc bộ” của chúng tôi không đảm bảo tính nguyên gốc là điều hết sức vô lý, không có căn cứ pháp lý.

Cũng cấn nhấn mạnh rằng, việc ông Việt Tú nói tôi sao chép đã xảy ra từ lâu. Và ông Việt Tú đã khiếu nại đến Cục Bản quyền Tác giả để yêu cầu rút giấy chứng nhận quyền tác giả của tôi và chị Phương Thảo đối với tác phẩm “Tinh hoa Bắc bộ” nhưng đơn khiếu nại của Việt Tú bị Cục Bản quyền tác giả bác. 

Chúng tôi trình bày như trên để muốn nhấn mạnh rằng, bất cứ ai làm nghệ thuật hay các công việc khác phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, chứ không thể cứ lên phương tiện truyền thông nói mình đúng thì sẽ trở thành đúng. 

Việc trình bày trên cũng để chứng minh rằng chúng tôi hoàn toàn có căn cứ pháp lý để theo đuổi các vụ kiện. Và kế hoạch sắp tới của chúng tôi là sẽ theo đuổi đến cùng các vụ kiện liên quan đến Việt Tú. Tôi tin rằng với các căn cứ pháp lý trên, tòa án sẽ chấp nhận các yêu cầu của chúng tôi.

Cám ơn đạo diễn Hoàng Nhật Nam!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem