Đề án "Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015": Tiêu tiền quá dễ dãi

Thứ sáu, ngày 10/06/2011 15:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là nhận định của Giáo sư Chu Hảo - Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ về đề án có dự toán 70.000 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận.
Bình luận 0

Giáo sư nhận định gì về đề án vừa được Bộ GDĐT và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tổ chức lấy ý kiến vừa qua?

- Theo đánh giá của tôi, đây là cách làm đề án thông thường của Bộ GDĐT, thể hiện sự dễ dãi trong sử dụng tiền thuế của nhân dân. Được mời tham dự cuộc họp lấy ý kiến, tôi và rất nhiều chuyên gia giáo dục khác đều ngạc nhiên về con số dự toán kinh phí khổng lồ tới 70.000 tỷ đồng.

img
Từ lâu, sách giáo khoa luôn là đề tài nóng bỏng của giáo dục nước ta.

Kinh phí viết sách khổng lồ đã đành, tôi còn không hiểu được viết sách thì liên quan gì tới xây dựng cơ bản mà cũng đưa khoản tiền này vào đề án. Hơn nữa, đề án này viết không chặt chẽ, đề mục thì cũng kinh điển như các đề án trước, nhưng có nhiều điểm sao chép, mà còn sao chép sơ sài hơn đề án trước.

Đề án đề cập trước hết tới vấn đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Theo Giáo sư, cách làm được đưa ra trong đề án có hiệu quả?

- Đề án trên tôi thấy rất bất cập vì người viết đề án căn cứ vào một ý của Văn kiện Đại hội XI của Đảng: "Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, các bậc học. Tích cực chuẩn bị để từ sau năm 2015 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới". Họ hiểu câu đó là phải đổi mới chương trình- sách giáo khoa cho bậc phổ thông sau năm 2015.

img
Giáo sư Chu Hảo

Nhưng ý đó không quan trọng bằng ý bao trùm lên là phải: "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hóa, dân chủ hoá và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt".

Như vậy, việc phải làm trước tiên là phải có Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, sau đó mới tới đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Nếu trong thời gian tới một Đề án cải cách giáo dục được Quốc hội và Chính phủ chấp nhân, trong đó hệ thống giáo dục phổ thông không phải 12 năm như bây giờ mà là10 năm thì Đề án này lại vứt đi à? Hoặc Đề án cải cách giáo dục sắp tới ấn định phân luồng: 30-40% học sinh sau khi học THCS tiếp tục học THPT và Đại học, 60% sang học nghề thì Đề án cũng đổ vỡ. Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc tiêu 70.000 tỷ vào việc vô ích này?

Tới thời điểm này, Bộ GDĐT vẫn chưa công bố toàn văn Dự thảo Đề án, nhưng theo nhiều chuyên gia giáo dục được cung cấp văn bản tóm tắt thì Đề án có nội dung: Xây dựng chương trình, biên soạn SGK các cấp học, biên soạn tài liệu hướng dẫn giảng dạy (kinh phí 962 tỷ đồng), đầu tư cơ sở vật chất (35.000 tỷ đồng), đầu tư thiết bị dạy học (30.050 tỷ đồng), triển khai thí điểm chương trình - SGK (3.591 tỷ đồng). Dự kiến năm 2017 thí điểm, năm 2019 triển khai đại trà.

Vậy theo Giáo sư, bước đầu tiên khi xây dựng đề án là gì?

- Làm đề án lớn tiêu tốn tới 3,5 tỷ USD thì phải có những nghiên cứu khoa học hết sức nghiêm túc. Như tôi đã phân tích, trước hết phải có đề án bao trùm rồi mới tới các đề án nhỏ. Riêng đề án này, chưa làm rõ được làm sách giáo khoa mới thì đội ngũ viết như thế nào, chuẩn bị lực lượng này như thế nào, điều kiện tương thích của hệ thống giáo dục ra sao…Ví dụ như dạy thực nghiệm thì phải xem điều kiện cơ sở vật chất của các trường trong cả nước có phù hợp không…Chưa có nghiên cứu bài bản đã tung ra vấn đề dùng tiền thế nào là không ổn.

Cải cách gì cũng phải hướng tới học sinh nhưng thông tin trong đề án chủ yếu nói tới kinh phí. Giáo sư nghĩ sao về vấn đề này?

- Đó là cách làm khó hiểu của Bộ GDĐT. Điều này đã có tiền lệ. Đề án Đổi mới sách giáo khoa cuốn chiếu làm từ năm 2002 tới 2008 mới xong, chưa tổng kết đánh giá xem bộ sách giáo khoa ấy có làm cho học sinh phổ thông giỏi hơn không, tức là học sinh có được hưởng lợi gì từ đợt cải cách lần trước không? Bộ GDĐT chưa hề có bất cứ đánh giá, tổng kết nào về đợt cải cách sách vừa qua đã lại tiếp tục làm cải cách.

Xin cảm ơn!

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội): Điểm mới duy nhất là tăng tiền!

Tôi đã được tiếp cận với Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa đầu tiên là vào năm 2002, so sánh tất cả các đầu mục thì đề án này giống hệt đề án trước, từ xây dựng chương trình tới phương pháp để học sinh tự chủ. Điểm mới duy nhất là dự toán kinh phí từ 32.000 tỷ đồng lên 70.000 tỷ đồng. Tôi đề nghị, Dự thảo đề án này làm xong phải công khai cho cả xã hội phản biện, người xây dựng đề án phải trả lời được tính hiệu quả chiến lược của từng đầu mục chứ không được giấu giếm.

Hiện nay ngành GDĐT đặt quá nặng vấn đề chương trình và sách giáo khoa. Từ năm 1945 tới năm 1975, Chính phủ đổi chương trình học từ hệ 9 năm sang 10 năm rồi sang 12 năm, làm rất nhẹ nhàng mà không tốn tiền. Giờ chương trình quá nặng, cải cách mãi vẫn thế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem