Đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố quá sơ sài!

Hữu Ký Thứ ba, ngày 12/12/2017 14:38 PM (GMT+7)
Nhiều đại biểu tại hội nghị phản biện về dự thảo Đề án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức ngày 12.12 đã có nhận định như vậy.
Bình luận 0

Góp ý về đề án trên, LS Trương Thị Hòa nhận định, với đề án này, loại phí được thu không nằm trong quy định tại Luật phí và lệ phí (có hiệu lực từ 1.1.2017). Nếu áp dụng thu loại phí này, dễ dẫn đến tình trạng phí chồng phí bởi hiện nay, người dân thành phố đang phải chịu nhiều loại phí khác nhau. Do đó, LS Hòa cho rằng, nên thu phí và đưa vào danh mục là phí sử dụng đường bộ, còn đề xuất bổ sung thêm loại phí này vào thì khó khả thi bởi luật mới có hiệu lực từ đầu năm. LS Hòa đánh giá, đề án này còn khá sơ sài chưa đồng bộ với các đề án giảm ùn tắc mà thành phố đang thực hiện, phạm vi đề án chỉ áp dụng cho quận 1, 3 là chưa khả thi.

img

TS Đồng Văn Khiêm nhận định, đề án thu phí ô tô vào trung tâm còn khá sơ sài. Ảnh: Hữu Ký

Còn TS Đồng Văn Khiêm, thành viên Hội đồng tư vấn phản biện Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho rằng, cần xác định mục đích cao nhất là hạn chế ùn tắc giao thông chứ không phải phí. Tuy nhiên, trong dự thảo đề án này chưa thấy đánh giá ùn tắc giao thông là do đâu, giải pháp đưa ra như thế nào? 

“Nếu trung tâm thành phố ùn tắc do phương tiện nhiều, phải có số lượng phương tiện vào trung tâm là bao nhiêu, thời gian cao điểm, thấp điểm, loại xe tải, xe vãng lai... Trên cơ sở phân tích con số cụ thể, những xe nào có thể hạn chế, giảm được bao nhiêu lượng xe đi vào trung tâm? Phương tiện cá nhân là nhu cầu cấp thiết, phục vụ đi lại của người dân, nếu hạn chế thì đi lại bằng phương tiện gì? Nếu giảm ô tô mà xe máy lại tăng, có khả năng lại ùn tắc nhiều hơn, mục đích giải quyết ùn tắc giao thông cũng khó khả thi”, TS Khiêm nêu.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh thông tin, hiện nay, 76% người dân mưu sinh bằng xe cá nhân, nếu hạn chế, khó giải quyết bài toán đi lại của người dân nhất là trong điều kiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu. Ông nhận định, không có cơ sở nào tiên liệu giảm 40% ô tô vào trung tâm thành phố, bởi muốn giảm xe vào trung tâm, trước hết phải quy định loại xe được vào trung tâm là xe nào. Các loại xe cứu thương, cứu hỏa không phải thu phí; Dự án thu taxi, taxi giảm 15%, lái xe không tán thành; Thu phí các loại xe buýt du lịch vào thành phố có bất hợp lý không… “Đề xuất không có cơ sở xã hội học, thiếu yếu tố điều tra xã hội. Cá nhân không tán thành phương án đơn vị nghiên cứu đưa ra”, ông Ninh kết luận.

Trong khi đó, TS Phạm Sanh chia sẻ, trên thế giới có nhiều nước áp dụng thu phí vào trung tâm thành phố nhưng có nhiều nơi không thành công như Hong Kong, London, New York... Với TP.HCM, mục tiêu thu phí nhằm giảm kẹt xe, cần phải xác định vùng trung tâm thu phí để làm rõ xem có phí chồng phí không.

Ông Sanh không phản bác đề án này nhưng cho rằng, cần phải có nghiên cứu kỹ hơn, mang tính thiết thực và phù hợp với điều kiện của thành phố. Trong đó, các con số về mức phí, tổng mức đầu tư hay số liệu sẽ giảm ùn tắc khi triển khai đề án… cho cụ thể.

img

Nhiều ý kiến cho rằng cần xác định lại mục đích của việc thu phí ô tô vào trung tâm. 

Về vấn đề này, ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ GTVT) cho biết, đây chỉ là 1 trong các giải pháp của Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng và kiểm soát phương tiện cá nhân. Nếu chỉ với một giải pháp này không thể chống ùn tắc. Do đó, ông đề nghị sửa tên đề án cho đồng bộ và phù hợp với điều kiện Việt Nam, trong đó về bản chất là phí chống ùn tắc giao thông, không phải phí vào trung tâm.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Võ Khánh Hưng cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến, xác định lại các vấn đề góp ý để thực hiện đề án. Ông Hưng cho rằng, để thực hiện điều này cần phải có quyết tâm cao của thành phố và sự đồng thuận từ phía người dân. Sở sẽ tham mưu thành phố thông qua các ý kiến góp ý, không né tránh những cái hạn chế của đề án. Về phía người dân, trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ có nhiều giải pháp, phối hợp địa phương phát phiếu thăm dò, khảo sát.

Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (đơn vị nghiên cứu đề án) cho hay, Đề án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông, áp dụng vùng thu phí bao gồm hầu hết ở khu vực quận 1, 3. Phạm vi được giới hạn bởi đại lộ Đông -Tây, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các đường Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ...

Để thực hiện, thành phố sẽ xây dụng 34 cổng thu phí. Thời gian thu phí áp dụng từ 6h-9h và 16h-19h các ngày trong tuần. Mức thu phí từ 40.000 đồng đối với ô tô cá nhân; từ 30.000 đồng - 50.000 đồng tùy từng loại phương tiện khác. Tổng mức đầu tư của đề án này hơn 1.500 tỷ đồng theo hình thức PPP (nhà nước và tư nhân cùng làm), BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao), trong thời hạn 15 năm và thực hiện ngay trong năm 2020.

Đại diện Công ty Tiên Phong đánh giá đề án nhằm hạn chế ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, thúc đẩy người dân đi lại bằng phương tiện công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ thành phố. Cụ thể, nếu triển khai số lượng chuyến sử dụng xe ô tô con sẽ giảm khoảng 49%; lượng xe khách, xe tải di chuyển trong khu vực nội ô giảm 7,5% và thị phần vận tải hành khách công cộng tăng 8%, vận tốc lưu thông tăng 10,3 %.

Đặc biệt, việc thu phí này sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngân sách thành phố. Với lưu lượng phương tiện vào trung tâm mỗi năm tăng 3%, tổng thu ngân sách trong vòng 15 năm sẽ đạt trên 11 ngàn tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem