Đế chế Sacombank đã “sa lầy” vì phải gánh nợ cho Southernbank?
SacomBank “sa lầy” vì gánh nợ SouthernBank?
Dưới thời lãnh đạo của ông Trầm Bê, SouthernBank bê bết nợ xấu và hiệu quả thấp. Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của SouthernBank tính tới ngày 30.6.2012 là 45,6%. Tới tháng 11.2013, con số này tăng lên 55,31% nhưng SouthernBank chỉ báo cáo tỷ lệ nợ xấu tháng 12.2013 là 3,39%, do ngân hàng này không chuyển nợ xấu theo kiến nghị của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
Với tỷ lệ nợ xấu là 55,31%, SouthernBank có con số nợ xấu tương đương với 23.483 tỷ đồng tại thời điểm tháng 11.2015
Năm 2014, trước khi sáp nhập với Sacombank, kết quả kinh doanh của Sounthern Bank cho thấy ngân hàng này chỉ hoàn thành được một phần rất nhỏ chỉ tiêu lợi nhuận.
Cụ thể, Southern Bank chỉ lãi 17 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ xấu chiếm gần 6% tổng số hơn 43.000 tỷ đồng dư nợ của Southern Bank. Do lợi nhuận thấp nên sau khi trích lập các quỹ, Southern Bank còn lại 1,2 tỷ đồng và không chia cổ tức cho cổ đông.
Điều này đã khiến nhiều người lo ngại khi đại gia này cùng gia đình lại nắm quyền chi phối ở Sacombank. Và sự thật, quá trình tụt dốc của Sacombank bắt đầu từ ngày 1.10.2015, khi Southernbank chính thức sáp nhập vào SacomBank.
Trước thời điểm sáp nhập SouthernBank, lợi nhuận của Sacombank luôn ở mức nghìn tỷ. Ngân hàng này cũng nằm trong 3 quyền lực của nhóm ngân hàng TMCP gồm: Sacombank, Eximbank và ACB.
Nhưng ngay trong quý đầu tiên sáp nhập cùng Sounthernbank, quý IV.2015, Sacombank đã gánh khoản lỗ trước thuế 738 tỷ đồng, lỗ sau thuế 583 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, Sacombank lãi trước thuế 1.289 tỷ đồng, giảm 55% cùng kỳ năm 2014.
Cùng với đó là chi phí dự phòng rủi ro quý IV.2015 cũng tăng vọt, từ mức 187 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014 lên tới 1.125 tỷ đồng trong quý IV.2015. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,19% đầu năm lên 1,87% vào cuối năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến từ 980 tỷ đồng lên 3.029 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý trong mục “Tài khoản có khác” của Sacombank đã có sự tăng vọt từ các khoản phải thu. Nếu năm 2014, các khoản phải thu của Sacombank chỉ là 10.013 tỷ đồng, thì năm 2015 tăng vọt lên 42.909 tỷ đồng, trong đó khoản lãi dự thu tăng từ 5.149 tỷ đồng lên 25.230 tỷ đồng.
Tuy có giảm lỗ nhưng Sacombank vẫn tiếp tục sụt giảm lợi nhuận trong năm 2016. Theo đó, lợi nhuận quý IV.2016 của Sacombank lỗ trước thuế là 18 tỷ đồng và sau thuế là 86 tỷ đồng. Lũy kế cả năm chỉ đạt 531 tỷ đồng trước thuế, giảm 55% so với năm 2015.
Năm 2016 tiếp tục ghi nhận mục “Tài khoản có khác” của Sacombank có khoản phải thu tăng lên 43.741 tỷ đồng, trong đó lãi dự thu tiếp tục tăng lên 26.389 tỷ đồng.
Điểm khá ngạc nhiên là trích dự phòng của Sacombank khá thấp. Riêng trong quý IV.2016 chi phí dự phòng rủi ro chỉ khiêm tốn ở con số 23 tỷ đồng và lũy kế cả năm là 700 tỷ đồng. Con số này cùng với lãi dự thu cao ngất ngưỡng đã phần nào che dấu bớt con số lỗ của Sacombank.
Báo cáo tài chính của Sacombank cũng cho thấy nợ xấu trong năm 2016 là 10.641 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 7.071 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt 5,35%.
Đại gia Trầm Bê “phủi” trách nhiệm
Không chỉ sụt giảm lợi nhuận, hàng loạt bê bối chưa từng có tiền lệ tại Sacombank đã xảy ra. Đó là vào cuối tháng 3.2016, Sacombank đã có văn bản gửi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX) đề nghị gia hạn công bố báo cáo kiểm toán năm 2015. Theo Sacombank, lí do của việc này là Sacombank vẫn chưa nhận được hướng dẫn và phê duyệt phương án tái cơ cấu sau sáp nhập của Ngân hàng Nhà nước.
Khi cổ đông truy trách nhiệm, đại gia Trầm Bê đã rời Sacombank
Đề nghị này của Sacombank đã bị Uỷ ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) từ chối. Câu trả lời của UBCKNN là ngày 20.1 năm nay, cơ quan này đã có hướng dẫn cụ thể thực hiện một số vấn đề liên quan đến công bố thông tin báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị công ty đối với công ty đại chúng. Theo đó, báo cáo tài chính năm 2015 được kiểm toán về thời hạn vẫn được áp dụng theo thông tư số 52/2012 của bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, lý do xin gia hạn nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của Sacombank không thuộc lý do bất khả kháng theo quy định.
Tới Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2015 – 2016 của Sacombank được tổ chức vào cuối tháng 6.2017, nhiều cổ đông đã yêu cầu truy trách nhiệm đối với ông Trầm Bê sau khi hai cha ông Trầm Bê và Trầm Khải Hòa đi mà không chào ai...
Cổ đông Lê Thị Kim Cúc đặt câu hỏi: “Sao hôm nay không có ông Trầm Bê? Ông này phá hoại nhất mà sao hôm nay không có mặt?”.
Bà Cúc cho biết, năm 2015, bà cũng như nhiều cổ đông khác không đồng ý sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank. Cổ phiếu trước khi sáp nhập “cao chót vót” thì nay “thấp lè tè”. Kể từ khi sáp nhập với Southernbank, Sacombank không chia cổ tức cho cổ đông.
Trước sát nhập, nợ xấu STB chỉ có 1,8 thì nay tăng gấp nhiều lần. Rủi ro tăng gấp đôi, lợi nhuận giảm dần.
Một cổ đông nắm giữ gần 600 nghìn cổ phiếu Sacombank cũng cho rằng, phải truy cứu trách nhiệm của ông Trầm Bê, đồng thời phía Ngân hàng Nhà nước cũng phải có giải thích rõ ràng vì sao lại cho phép Sacombank và Southern Bank sát nhập khiến quyền lợi cổ đông bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề này đã không được các bên giải thích thỏa đáng cho cổ đông.
Nhìn lại quá trình sáp nhập giữa Sacombank và Southern Bank, tại đại hội cổ đông bàn về phương án sáp nhập 2 ngân hàng vào tháng 7.2015, khá nhiều ý kiến phản đối việc sáp nhập này nhưng cuối cùng do tỷ lệ biểu quyết đạt 97,31% tổng số cổ phần tham gia biểu quyết, nên việc sáp nhập đã được tiến hành vào tháng 10.2015.
Tuy nhiên, sự kiện này được giới chuyên gia tài chính cho rằng, đây là cuộc chơi không công bằng cho các cổ đông nhỏ lẻ bởi việc sáp nhập này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người cầm trịch cuộc chơi. Nên nhớ, thời điểm trước khi sáp nhập, loại trừ 10% cổ phiếu quỹ và 6,78% cổ phần của nhà ông Trầm Bê, thì quyền quyết định đang dồn vào “nhóm Eximbank” với tỷ lệ sở hữu lên tới gần 18%. “Nhóm Eximbank” này, trong vụ thâu tóm Sacombank, đã đứng ra đại diện cho “nhóm cổ đông nắm giữ trên 51%” mà sau này đã cử một loạt đại diện từ Eximbank và Southern Bank vào HĐQT của Sacombank như: ông Phạm Hữu Phú, ông Trầm Bê, ông Trầm Khải Hòa, ông Phan Huy Khang, bà Dương Hoàng Quỳnh Như.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.