Rửa mặn cát biển ngay trong vùng nước ngọt sông Hậu

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 27/08/2024 17:13 PM (GMT+7)
Việc rửa mặn cát biển được thực hiện trên vùng nước ngọt sông Hậu (thuộc địa phận thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) trước khi đưa về công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Bình luận 0

Sau khi khai thác tại mỏ B1.1 và B1.2 (cách bờ khoảng 27km), cát biển được đưa về vùng nước ngọt sông Hậu (thuộc địa phận thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) để rửa mặn. Nơi đây cách mỏ B1.1 và B1.2 khoảng 40km.

Rửa mặn cát biển ngay trong vùng nước ngọt sông Hậu - Ảnh 1.

Khu vực rửa mặn cát biển. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ghi nhận của phóng viên khoảng 9 giờ sáng nay 27/8, một tàu hút có sức chứa 1.200m3 đang neo đậu để rửa mặn cát biển.

Sau khi rửa mặn cát biển xong, sẽ bơm dần sang tàu xả tràn. Thời điểm này, có rất nhiều tàu xả tràn đang nằm chờ đến lượt nhận cát.

Sau khi chứa đầy cát biển, các tàu xả tràn nói trên sẽ đưa về công trình phục vụ thi công cao tốc tại Kiên Giang, Cà Mau với khoảng thời gian từ 32-34 giờ, bởi chặng đường hơn 180km. Còn tàu hút khi hết cát lại được di chuyển về mỏ B1.1 và B1.2 ngoài biển để lấy cát tiếp.

Rửa mặn cát biển ngay trong vùng nước ngọt sông Hậu - Ảnh 2.

Một tàu hút có sức chứa 1.200m3 đang neo đậu để rửa mặn cát biển.

Hiện đơn vị khai thác cát biển đang có 10 tàu hút, sức chứa tối đa 2.000m3 đang hoạt động trong tổng số 15 chiếc đã đăng ký.

Được biết, có 62 tàu xả tràn, phục vụ chở cát cho các nhà thầu công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trong những ngày tới, tàu xả tràn sẽ được huy động về nhiều hơn.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt qua điện thoại, ông Đỗ Minh Châu - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C - đơn vị khai thác cát biển cho biết, khu vực sang mạn ở huyện Long Phú là "vùng nước ngọt, nằm sâu trong cửa sông (sông Hậu - PV)".

Việc rửa mặn cát biển được thực hiện trên vùng nước ngọt sông Hậu (thuộc địa phận thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) trước khi đưa về công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Video: Huỳnh Xây

Theo ông Châu, độ mặn cát biển được đo tại điểm khai thác từ 22-25‰. Khi đưa đến thị trấn Long Phú, công nhân sẽ bơm nước ngọt vào tàu hút liên tục để rửa mặn cát biển. Đến khi nước trong tàu còn 13-17‰, cát biển sẽ được bơm sang các tàu xả tràn để đưa về công trình cao tốc.

Khi về đến công trình, cát biển được rửa thêm 1 lần nữa để giảm độ mặn đến mức thấp nhất có thể. Lúc này, nước ở ngoài công trình sẽ cao hơn nước trong cát biển.

Đến nay, công suất khai thác 2 mỏ B1.1 và B1.2 ở Sóc Trăng mới được khoảng 6.500m3/1 ngày, với tổng khối lượng đã đưa về dự án cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng khoảng 80.000m3.

Dự kiến đến đầu tháng 9/2024 công suất tăng lên khoảng 15.000m3/ngày. Nhà thầu đang tiếp tục huy động thêm thiết bị khai thác để đảm bảo đạt được 20.000 - 30,000m3/ngày phục vụ dự án theo nhu cầu.

Trước đó, ngày 21/6/2024 UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp bản xác nhận khu B1.1 và B1.2 cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C tổ chức khai thác phục vụ thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Ngày 29/6, nhà thầu bắt đầu khai thác cát biển. Phương pháp khai thác cát biển tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng là sử dụng vòi hút của các tàu rùa chạy dài trên mặt cát dưới đáy biển. Khu vực biển khai thác cát được ngành chức năng giới hạn bởi bốn điểm góc có tọa độ cụ thể. Độ sâu được phép sử dụng là 7,5m, độ cao được phép sử dụng là 5m tính từ mặt nước biển.

Thời hạn khai thác cát biển đến hết ngày 21/12/2024.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem