Chỉ riêng sản lượng của Hyundai Grand i10 đã vượt xa tổng sản lượng của tất cả các mẫu xe cùng phân khúc cộng lại.
“Mỏ vàng” của xe Hàn Quốc
Nếu chỉ xét riêng về sản lượng thì phân khúc hạng A, cỡ xe nhỏ nhất trên thị trường, đang được xem là “mỏ vàng” với các nhà sản xuất ô tô. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, “mỏ vàng” này lại đang hầu như chỉ được khai thác bởi hai thương hiệu đến từ xứ sở Kim Chi là Hyundai và Kia.
Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cộng dồn 6 tháng đầu năm nay, Thaco đã bán ra thị trường 5.570 chiếc Kia Morning, gấp cả chục lần so với một số mẫu xe đối thủ cùng hạng.
Mẫu xe đồng hương Hyundai Grand i10 thậm chí còn tạo khoảng cách rất xa Kia Morning khi đạt sản lượng bán hàng cao gần 2,5 lần. Báo cáo bán hàng định kỳ được nhà sản xuất Hyundai Thành Công công bố mới đây cho biết, đã có tổng cộng 12.781 chiếc Grand i10 được bán ra thị trường trong 6 tháng đầu năm 2018.
Con số này cho thấy khoảng cách một trời một vực giữa bộ đôi xe Hàn Quốc với các mẫu xe khác cùng phân khúc. Cũng theo báo cáo của VAMA, cùng giai đoạn này, Chevrolet Spark chỉ đạt sản lượng bán hàng 526 chiếc, Mitsubishi Mirage bán được 382 chiếc và Suzuki Celerio thậm chí còn èo uột hơn khi chỉ đạt vẻn vẹn 54 chiếc.
Tính chung, tổng lượng xe nằm ở phân khúc hạng A bán ra thị trường trong giai đoạn nửa đầu năm nay đạt đến 19.313 chiếc. Tuy nhiên, chỉ 2 mẫu xe Hàn Quốc là Hyundai Grand i10 và Kia Morning đã nắm giữ con số 18.351 chiếc, chiếm đến trên 95% thị phần, số ít ỏi 962 chiếc còn lại thuộc về 3 mẫu xe Chevrolet Spark, Mitsubishi Mirage và Suzuki Celerio.
Khó thay đổi cục diện
Câu hỏi đặt ra là tại sao bộ đôi xe Hàn Quốc lại có thể áp đảo phần còn lại trong phân khúc đến như vậy? Phải chăng các mẫu xe Nhật Bản và Mỹ có chất lượng không bằng hay vì một lý do khác?
Trước hết, cần thừa nhận một thực tế rằng tại thị trường ô tô phổ thông Việt Nam, các thương hiệu Nhật Bản đang đông đảo hơn cả, các thương hiệu ô tô Hàn Quốc và Mỹ lại có phần tương đương nhau.
Vấn đề nằm ở chỗ, dù các thương hiệu Nhật Bản có mặt tại Việt Nam từ rất sớm nhưng hầu hết đều bỏ ngỏ phân khúc này. Trong suốt 2 thập niên đến Việt Nam, từ Toyota, Mitsubishi đến Suzuki đều bỏ bẵng các loại xe cỡ nhỏ. Các thương hiệu gia nhập sau này như Nissan hay Honda cũng chỉ “nhòm ngó” các phân khúc xe hạng B và hạng C.
Trong khi đó, ngay khi có mặt tại Việt Nam, các hãng xe Hàn Quốc lại khởi đầu bằng những mẫu xe hạng A. Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt.
Tương tự Hyundai Grand i10, Kia Morning cũng sở hữu nhiều lợi thế về giá bán, số lượng phiên bản và các trang bị công nghệ.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chỉ được xem là một thị trường ô tô tiềm năng. Theo thống kê, hiện tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam mới ở mức 16 xe/1.000 dân, thấp hơn rất nhiều so với một số thị trường ô tô trong khu vực như Malaysia (341 xe/1.000 dân), Thái Lan (196 xe/1.000 dân) và Indonesia (55 xe/1.000 dân). Như vậy, dư địa để thị trường ô tô Việt Nam phát triển còn rất lớn, nhất là khi hạ tầng giao thông đang nhanh chóng được mở rộng và nâng cấp.
Đối với một thị trường còn quá nhiều dư địa phát triển như Việt Nam thì các loại xe hạng A được xem là phù hợp. Bởi lẽ, đây chính là loại xe được ưu tiên lựa chọn đối với số lượng rất lớn những người tiêu dùng mua xe lần đầu và có khả năng tài chính vừa phải.
Khi đã ít nhiều “ổn định” ở các phân khúc xe hạng B và C, các thương hiệu Nhật Bản cũng đã bắt đầu tính đến phân khúc xe hạng A. Bằng chứng là mới đây Suzuki đã đưa về thị trường Việt Nam mẫu xe Celerio và dự kiến trong quý 3/2018, “ông lớn” Toyota cũng sẽ trình làng mẫu xe Wigo.
Cả Suzuki Celerio và Toyota Wigo đều được nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia, theo đó được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% dựa vào Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) mà Việt Nam là thành viên. Xuất xứ Đông Nam Á đem lại lợi thế về giá cho các mẫu xe này.
Tuy nhiên, quy định mới về việc kiểm định ngẫu nhiên trên từng lô xe nhập khẩu đang và sẽ khiến giá thành của Celerio và Wigo bị đội lên. Trong khi đó, bộ đôi Grand i10 và Morning lại cùng được lắp ráp trong nước và đang hưởng lợi thế từ mức thuế nhập khẩu linh kiện ưu đãi 0% theo Nghị định 125 của Chính phủ. So ra, giữa nhóm xe Hàn Quốc với nhóm xe Nhật Bản và Mỹ, lợi thế về cơ cấu giá thành là không chênh nhau nhiều.
Điểm khác biệt rõ rệt nhất với người tiêu dùng có lẽ là sự tương ứng giữa giá bán và các trang bị. Đa số các mẫu xe Hàn Quốc, không chỉ Kia Morning và Hyundai Grand i10, đều đang được xếp vào dạng “tiêu chuẩn” về giá và công nghệ.
Đơn cử như Hyundai Grand i10 và Kia Morning. Cả hai mẫu xe này đều liên tục được thay đổi thiết kế, cập nhật công nghệ và luôn có rất nhiều các phiên bản để người tiêu dùng lựa chọn. Trong khi đó, Suzuki Celerio hay sắp tới là Toyota Wigo, số lượng các phiên bản có lẽ cũng không thể vượt qua con số 3.
Một chi tiết khá thú vị nữa là ở phân khúc hạng A có mẫu xe Chevrolet Spark. Trước đây, khi Spark vẫn mang tên Matiz và do hãng xe Daewoo của Hàn Quốc sản xuất, Matiz chính là cái tên vô địch về sản lượng. Khi Hyundai Grand i10 và Kia Morning xuất hiện, Matiz mới bắt đầu phải chia sẻ thị phần.
Thế nhưng, kể từ khi tập đoàn GM mua lại Daewoo và đổi sang nhận diện thương hiệu Chevrolet, Matiz trở thành Spark và gần như đồng thời bị loại khỏi nhóm mẫu xe chiến lược của hãng ô tô Mỹ. Cũng từ đó, sản lượng của Spark giảm dần và bị Grand i10 và Morning bỏ xa, dẫu rằng so với 2 đối thủ Nhật Bản, Spark vẫn còn ít nhiều được tự hào.
Với khoảng cách quá xa và những lợi thế về giá và công nghệ tiếp tục được duy trì, phân khúc hạng A vẫn cứ là “mỏ vàng” của những mẫu xe Hàn Quốc và cơ hội để các loại xe mang xuất xứ khác lật đổ là gần như không có.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.