Lầm tưởng tai hại về hệ thống hỗ trợ lái ADAS và phanh tự động khẩn cấp trên ô tô

Khải Phạm Thứ hai, ngày 15/07/2024 16:40 PM (GMT+7)
Nhiều người cho rằng, hệ thống hỗ trợ lái (ADAS) trên xe 7 chỗ bị lỗi, nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Bình luận 0

Khoảng 9h ngày 11/7/2024, tại Km 49+400 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (hướng đi Hà Nội- Hải Phòng) thuộc thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, Hải Dương, xe bán tải đang di chuyển chậm để tránh chướng ngại vật thì bị xe 16 chỗ va chạm nhẹ vào phía sau.

Sau va chạm, 2 tài xế xe bán tải và 16 chỗ đứng tranh luận trước đầu xe 16 chỗ thì xe 7 chỗ đâm mạnh vào phía sau. Hậu quả, 2 tài xế đứng đầu xe 16 chỗ tranh cãi tử vong và hơn 10 người khác bị thương.

Hệ thống ADAS trên ô tô hoạt động thế nào?

Video ghi nhận vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Khi xem lại camera giám sát trên cao tốc cho thấy, trước khi xảy ra tai nạn, chiếc xe 7 chỗ không có dấu hiệu của việc sử dụng phanh dẫn đến cú tông mạnh từ phía sau xe Limousine 16 chỗ.

Điều đó đã nổ ra tranh cãi trên khắp các diễn đàn ô tô về việc 7 chỗ có hệ thống hỗ trại lái ADAS, nhưng sao không hoạt động ở tình huống này.

Nói về việc này, một chuyên gia ô tô cho rằng, có 2 trường hợp chính xảy ra trong vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến nhiều người thương vong nói trên.

"Trường hợp thứ nhất, chủ xe 7 chỗ là người chủ động lái và đã không sử dụng công nghệ hỗ trợ ở đây là kiểm soát hành trình thích ứng. Khi người lái tắt tính năng này, đương nhiên công nghệ sẽ không can thiệp vào quá trình lái xe. Do đó, trường hợp này có thể xảy ra, tài xế lơ đãng khi lái xe nên đã không quan sát xe phía trước dừng nên đã không có phản ứng nào (ở đây là phanh) dẫn đến tai nạn", chuyên gia phân tích.

Lầm tưởng tai hại về hệ thống hỗ trợ lái ADAS và phanh tự động khẩn cấp trên ô tô- Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh FB.

Tiếp theo là vấn đề mà nhiều người lầm tưởng về công nghệ hỗ trợ lái trên các dòng xe hiện nay.

"Trường hợp thứ 2, lái xe sử dụng hệ thống hỗ trợ lái kiểm soát hành trình thức ứng (bám theo xe phía trước). Về mặt kỹ thuật, công nghệ này hoạt động được thiết kế để nhận diện những xe phía trước di chuyển, không nhận diện xe hoặc vật thể đứng im. Do đó, trong vụ tai nạn, chiếc xe 16 chỗ đứng im ở làn 120km/h nên việc xe 7 chỗ không nhận diện được là đúng về kỹ thuật", chuyên gia lý giải.

Thực tế, đã có vụ tai nạn của chiếc xe Volvo XC60 - chiếc xe an toàn nhất thế giới đã đâm một chiếc xe sửa chữa trên đường đang trong trạng thái đứng im, giống hệ vụ tai nạn nói trên.

Tìm hiểu kỹ hơn, trong sách hướng dẫn sử dụng của Volvo có nêu, khi bật ga tự động thích ứng, chức năng này sẽ không phanh với những xe chạy chậm hoặc đồ vật đứng yên.

Đối với VinFast, trong sách hướng dẫn sử dụng cũng khuyến cáo, do các hạn chế về môi trường, radar hoặc camera phía trước có thể không phát hiện được các vật thể cố định khhi di chuyển trên 60km/h.

Thế còn tính năng tự động phanh khẩn cấp?

Cũng theo chuyên gia, các hãng nổi tiếng về công nghệ hỗ trợ lái trên xe đều có tính năng tự động phanh khẩn cấp, nhưng sẽ không hoạt động khi xe chạy trên 70km/h.

Trong trường hợp tai nạn trên, xe có thể chạy đến 120km/h theo đúng tốc độ mà làn giáp giải phân cách trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho phép. Vì vậy, hệ thống phanh tự động khẩn cấp nhận diện lái xe chủ động điều khiển nên sẽ không can thiệp hoàn toàn đúng.

Tóm lại, chiếc công nghệ trên chiếc xe 7 chỗ vẫn hoạt động theo đúng kỹ thuật và nhiều người lầm tưởng hệ thống ADAS sẽ thay người lái. Thực tế, công nghệ hiện nay chỉ hỗ trợ người lái chứ không thay thế nên quan trọng nhất vẫn là tài xế vận hành và chủ động trong mọi tình huống.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem