Mùa mưa bão đang đến rồi, một số điểm xung yếu các tuyến đê kè ở Nam Định cần phải gia cố

Mai Chiến Thứ ba, ngày 15/08/2023 09:06 AM (GMT+7)
Hiện tại, hệ thống đê kè tỉnh Nam Định có 25 trọng điểm xung yếu. Trong đó, có 1 số trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê kè đang "kêu cứu", cần được xử lý, gia cố sớm để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão.
Bình luận 0

Trọng điểm xung yếu đê kè Mười Sáu "kêu cứu"

Nghĩa Hưng là huyện ven biển của tỉnh Nam Định, được bao bọc bởi 3 con sông lớn đó là sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ và phía Nam huyện là biển. Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hằng năm huyện Nghĩa Hưng chịu ảnh hưởng trung bình từ 3 - 5 cơn bão.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nghĩa Hưng cho biết, toàn huyện có 99,613 km đê. Trong đó 67,439 km đê sông, hơn 24 km đê biển, gần 9 km đê biển Cồn Xanh và 23 kè hộ bờ lát mái và 59 cống qua đê. Các cống qua đê, nằm trên triền sông Đáy, sông Ninh Cơ và đê biển.

Về hệ thống thuỷ lợi nội đồng có 98 đập điều tiết trên kênh cấp I, 677 cống đập cấp II và 216,743 km cửa cống kênh cấp I, 567,392 km kênh cấp II, gần 8.389 km kênh cấp III.

Mùa mưa bão đang đến gần, một số trọng điểm xung yếu ở Nam Định "kêu cứu" - Ảnh 1.

Trọng điểm xung yếu đê kè Mười Sáu, vị trí từ K188 +470-K188 +577, tuyến đê Tả sông Đáy bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Mai Chiến.

Nhìn chung chất lượng các công trình đảm bảo yêu cầu tưới tiêu nước và phòng chống lũ bão ở cấp độ thấp. Tuy nhiên, có một số cống do xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp, thường xuyên phải theo dõi.

Cụ thể, có 4/5 bối có dân cư phải xây dựng phương án sơ tán nhân dân gồm Hải Lạng (xã Nghĩa Thịnh), Phù Xa Thượng (xã Hoàng Nam), Nam Quần Liêu (xã Nghĩa Sơn) và Ngọc Lâm (xã Nghĩa Hải).

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng có 1 trọng điểm xung yếu cấp huyện cần được bảo vệ, xử lý sớm để bảo vệ an toàn hệ thống đê điều. Đó là đê kè Mười Sáu, vị trí từ K188 +470 ¸ K188 +577, tuyến đê Tả sông Đáy, nằm trên địa bàn xã Nghĩa Lạc (huyện Nghĩa Hưng).

Theo đó, đê được hình thành từ lâu đời và tôn cao áp trúc qua nhiều giai đoạn, thân đê được cấu tạo bằng nhiều lớp khác nhau chủ yếu là đất thịt pha. Hiện nay, phía đồng khu vực trọng điểm chủ yếu là đất 2 lúa, vườn trồng hoa màu và dân cư.

Phía sông nối tiếp đầu kè Mười Sáu về phía thượng lưu đoạn từ K188+470÷K188+577 dài 110m bãi đang bị sạt lở nặng, có vị trí đã sạt hết cơ đê vào đến chân đê, một số tre chắn sóng trồng trên cơ đã bị cuốn trôi mất. Khu vực này không đảm bảo an toàn cho đê điều trong mùa mưa bão, lũ năm 2023.

Mùa mưa bão đang đến gần, một số trọng điểm xung yếu ở Nam Định "kêu cứu" - Ảnh 2.

Hiện tại, bãi và cơ đê ở đê kè Mười Sáu (xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đang có dấu hiệu tiếp tục bị sạt lở vào chân đê. Ảnh: Mai Chiến.

Có mặt tại trọng điểm xung yếu đê kè Mười Sáu (nằm trên địa bàn xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng), theo quan sát của chúng tôi, bãi và cơ đê đang có dấu hiệu tiếp tục bị sạt lở vào chân đê; có vị trí đã bị lở vào thân đê, tạo bậc thụt sâu từ 0,8÷1,5 m.

Một số tre chắn sóng bị đổ rạp xuống sông, đang chết héo dần. Rác thải ùn ứ, đọng lại khu vực sạt lở này rất nhiều.

Hiện tại, mùa mưa bão đã đến, nếu trọng điểm này không được xử lý kịp thời, thì tình trạng sạt trượt mái đê phía sông do dòng chảy hoặc sạt lở mái đê phía sông do sóng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, gây mất an toàn cho hệ thống đê điều.

"Tuyến đê kè Mười Sáu có nhiệm vụ bảo vệ trực tiếp cho xã Nghĩa Lạc với diện tích tự nhiên 1.122,81 ha. Trong đó diện tích trồng lúa 2 vụ là 603,8 ha, thủy sản 35,88 ha, thổ cư 64 ha và có 2.535 hộ với 10.456 nhân khẩu.

Ngoài ra, còn bảo vệ cho các xã miền hạ huyện Nghĩa Hưng có tổng diện tích tự nhiên là 13.646,5 ha, diện tích trồng lúa 2 vụ là 7.418 ha và có tổng dân số là 135.430 người…", Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nghĩa Hưng thông tin thêm.

Sẵn sàng hộ đê, phòng chống bão lũ với phương châm "4 tại chỗ"

Năm 2023, hệ thống đê điều tỉnh Nam Định có 25 trọng điểm xung yếu cần được quan tâm trong công tác phòng, chống lụt bão. Trong đó, tuyến đê sông có 20 trọng điểm xung yếu, tuyến đê biển có 5 trọng điểm xung yếu.

Mùa mưa bão đang đến gần, một số trọng điểm xung yếu ở Nam Định "kêu cứu" - Ảnh 3.

Đê biển Thịnh Long (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) bị sóng biển đánh vỡ, sạt sụt nghiêm trọng. Ảnh: Mai Chiến.

Cụ thể, tuyến đê hữu Hồng có 5 vị trí được xác định là trọng điểm xung yếu cấp huyện. Tuyến hữu Ninh có 6 vị trí trọng điểm, trong đó 3 trọng điểm cấp huyện, 1 trọng điểm cấp tỉnh. Tuyến đê tả Ninh có 2 vị trí trọng điểm chống lụt bão cấp huyện.

Tuyến đê tả Đáy có 5 vị trí trọng điểm chống lụt bão cấp huyện. Tuyến đê hữu Đào, tuyến đê sông Sò, mỗi tuyến có 1 trọng điểm cấp huyện. Ngoài ra, tuyến đê biển Nam Định có 5 trọng điểm; trong đó 1 trọng điểm cấp tỉnh, 4 trọng điểm cấp huyện.

"Hai trọng điểm xung yếu cấp tỉnh là đê Hữu Ninh K28+150÷K40+580 nằm trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng và kè Hải Thịnh III K25+000 ÷27+060 nằm trên địa bàn huyện Hải Hậu", lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh Nam Định cho hay.

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều trong mùa mưa bão, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý đê điều, công trình thủy lợi và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng, chống lũ, bão năm 2023.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đề nghị các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố… kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, từng thành viên…

Chủ động, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong lũ, bão; tăng cường công tác quản lý đê điều, công trình thủy lợi.

Mùa mưa bão đang đến gần, một số trọng điểm xung yếu ở Nam Định "kêu cứu" - Ảnh 4.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương kiểm tra, đánh giá và tu sửa lại những đoạn đê xung yếu, sạt lở. Ảnh tư liệu.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định giao Sở NN-PTNT Nam Định phối hợp với UBND cấp huyện, đơn vị liên quan tổng kiểm tra đánh giá hiện trạng hệ thống đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê; xây dựng, phê duyệt phương án hộ đê đối với các khu vực trọng điểm theo phương châm "4 tại chỗ".

Quản lý vật tư dự trữ phòng, chống lụt bão trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác phòng, chống thiên tai. Tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê, tổng hợp số lượng, chất lượng vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai và có kế hoạch bổ sung vật tư phòng, chống lụt bão kịp thời.

Đồng thời, chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra các tuyến đê, kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về đê điều…

Đối với các huyện, thành phố, lãnh đạo tỉnh Nam Định đề nghị tổ chức giao án phận đê cho các xã, phường, thị trấn nơi có đê; chỉ đạo kiểm tra đánh giá chất lượng đê điều, phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn đê điều.

Phối hợp với Sở NN-PTNT Nam Định quán triệt, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các xã, phường, thị trấn nơi có đê tổ chức lực lượng và thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ…; đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời khi xảy ra sự cố đê điều.

Bên cạnh đó, tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; đặc biệt là tình trạng vi phạm tập kết vật liệu quy mô lớn trên bãi sông, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, lấn chiếm lòng sông gây cản trở thoát lũ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem