Để máy bay hạ cánh nhầm đường băng ở Cam Ranh bị xử lý như thế nào? (Ảnh: IT)
Trao đổi với Dân Việt ngày 30.4, ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Tổ điều tra đang làm việc tích cực cả ngày nghỉ lễ ở Cam Ranh để làm rõ nguyên nhân vụ việc. Khi nào có kết quả điều tra, Cục Hàng không sẽ thông tin chính thức tới các cơ quan báo chí.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã thành lập tổ điều tra do ông Hồ Minh Tấn - Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay làm Tổ trưởng cùng lãnh đạo các phòng: Quản lý hoạt động bay, Quản lý Cảng hàng không sân bay, Cảng vụ Hàng không miền Trung và các chuyên gia về lĩnh vực khai thác tàu bay, không lưu vào ngay Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh để điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Cục Hàng không cũng cho biết, vấn đề quan trọng nhất là thu giữ hộp đen máy bay để giải mã, đánh giá tình huống dẫn đến sự cố để từ đó tìm ra nguyên nhân cũng như xác định rõ lỗi thuộc về bộ phận phi công hay bộ phận kiểm soát không lưu.
Theo nhận định của các chuyên gia hàng không, việc tiếp đất trên đường băng chưa được khai khác là trạng thái hàng không vô cùng nghiêm trọng và có thể xảy ra hậu quả khôn lường.
Báo Người Lao Động dẫn nguồn tin riêng cho biết, lỗi của sự cố này là do phi công. Cụ thể, sự cố này được xác định ở mức độ nghiêm trọng (nhóm B), chỉ đứng sau sự cố nhóm A (tai nạn). Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy lỗi thuộc về tổ bay do đã xác định nhầm và hạ cánh xuống đường băng không được chỉ định. Trực tiếp điều khiển chuyến bay VN7344 là lái phụ người Việt Nam, còn cơ trưởng người Mỹ thực hiện nhiệm vụ quan sát và cảnh báo. "Việc lái phụ thực hiện hạ cánh là không có gì sai so với quy định" - nguồn tin của Báo Người Lao Động khẳng định. |
Trao đổi với Dân Việt trước đó, chuyên gia Trần Đình Bá cho biết: Đường băng làm chưa xong, giả sử có người đang thi công hay các thiết bị máy móc vẫn còn ở trên đường băng dẫn tới tai họa xảy ra thì sẽ nghiêm trọng như thế nào? Thậm chí, các vật dụng, dụng cụ, máy móc chưa dọn vệ sinh trên đường băng này sẽ dẫn tới nguy cơ cực kỳ nghiêm trọng, có thể gây ra thảm họa.
“Đây là vi phạm Luật hàng không dân dụng Việt Nam nghiêm trọng. Tôi nghĩ có thể do lỗi cả điều hành không lưu và cả tổ lái. Vì đường băng đang thi công trong khi máy bay nội địa chứ không phải quốc tế mà lại có sự nhầm lẫn rất “ngớ ngẩn” như thế, coi rẻ tính mạng con người”, ông Bá nói.
Trước đó, ngày 30.4, trả lời Báo Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã báo cáo vụ việc máy bay hãng hàng không Vietnam Airlines hạ cánh nhầm ở sân bay Cam Ranh (Khánh Hoà) lên Thủ tướng Chính phủ.
"Hiện nay vụ việc này đang được các cơ quan liên quan điều tra và xác minh nguyên nhân do điều hành bay hay do tổ lái. Tổ điều tra đặc biệt đang làm vẫn chưa có thông tin kết luận chính thức..." - thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thông tin.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho biết, sau khi sự việc xảy ra Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo ngay về tăng cường kiểm tra công tác hoạt động không lưu cũng như các tổ lái để hoạt động bay được đảm bảo hơn.
Chuyến bay VN7344 từ TP. Hồ Chí Minh đi Khánh Hòa đã hạ cánh nhầm xuống đường băng số 02 của sân bay quốc tế Cam Ranh không phải sự cố hi hữu đầu tiên (Ảnh: IT)
Không phải trường hợp đầu tiên ở Việt Nam
Trước đó, chiều 29.4, chuyến bay VN7344 từ TP. Hồ Chí Minh đi Khánh Hòa đã hạ cánh xuống đường băng số 02 của sân bay quốc tế Cam Ranh trong khi sân bay này mới hoàn thiện hơn 90% khối lượng thi công của giai đoạn và chưa được đưa vào khai thác. Hiện nay, gần như toàn bộ đường băng đã được trải thảm bề mặt bê tông xi măng, chờ được lắp thiết bị vận hành như đèn tín hiệu, biển báo...
Thực tế cho thấy, sự cố hi hữu ngày 29.4 tại Cam Ranh (Khánh Hòa) không phải là sự cố đầu tiên của ngành hàng không tại Việt Nam. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trước đó đã có chỉ đạo điều tra về sự cố và đình chỉ tổ lái của chuyến bay gồm 2 phi công người Philippines sau khi xảy ra xác nhận sự cố hạ cánh nhầm đường băng của hãng hàng không Vietjet Air vào ngày 16.10.2014 cũng tại Cam Ranh (Khánh Hòa).
Hãng Vietjet Air khi đó đã cho biết, đây là vi phạm do lỗi cá nhân của tổ bay và sẽ được xử lý kịp thời, nghiêm túc nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trong hoạt động khai thác bay của hãng.
Theo báo cáo của Cảng vụ cảng hàng không Cam Ranh, phi công điều khiển chuyến bay VJ 8856 của Vietjet đã cho tàu bay hạ cánh tại đầu 20 của đường băng thay vì đầu 02 như huấn lệnh của kiểm soát viên không lưu.
Ông Lại Xuân Thanh – nguyên Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam vào thời điểm đó còn đương chức đã nhận định "Chuyến bay hạ cánh an toàn, tuy rằng không có hoạt động bay trước và sau chuyến bay hạ cánh nhầm nhưng chúng tôi đánh giá sự cố này là hết sức nghiêm trọng, phân loại mức độ sự cố loại C”.
Cục Hàng không Việt Nam khi đó cũng cho biết, với vụ việc hạ cánh nhầm của Vietjet, nếu là lỗi kỹ thuật, phi công thực hiện không đúng quy trình như một số trường hợp hạ cánh nhầm đường băng đã từng xảy ra, tuỳ vào mức độ nghiêm trọng, tổ bay sẽ bị đình chỉ bay, bị xử phạt hành chính, phải đi huấn luyện lại và chỉ được tiếp tục bay nếu vượt qua kỳ thi kiểm tra.
Cũng trong năm 2014, một sự cố hi hữu khác đã xảy ra ngày 19.6 khiến cho Hãng hàng không VietJet Air sau đó đã phải công khai xin lỗi vì sự cố vì chở “nhầm” gần 200 hành khách đi Đà Lạt tới Cam Ranh (Khánh Hòa). Vụ việc sau đó đã bị Thanh tra Hàng không quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với VietJet Air 40 triệu đồng và 9 cá nhân liên quan với mức phạt từ 7,5 đến 20 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.