Đề nghị đánh giá vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Minh Lê Thứ tư, ngày 21/10/2020 09:06 AM (GMT+7)
Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã chỉ ra những mặt hạn chế trong quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020 và đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá về vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bình luận 0
Đề nghị đánh giá vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh 1.

Việc thực hiện cơ cấu lại một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ tại DNNN còn chậm, chưa triệt để

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 24 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã chỉ rõ những mặt hạn chế của những nhiệm vụ trọng tâm.

Ủy ban Kinh tế đánh giá, các ngành, lĩnh vực cơ cấu lại theo các nhiệm vụ trọng tâm nêu tại Nghị quyết 24 có chuyển biến tích cực, năng suất lao động được cải thiện, nguồn lực xã hội được khai thông, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng và phát triển.

"Tuy nhiên, kết quả tổng thể chưa thật đồng bộ, có mặt còn chậm, thiếu tính bền vững, chưa tạo ra chuyển biến rõ nét về hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực và chưa theo kịp yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế", Ủy ban Kinh tế nêu rõ.

Trong thực hiện cơ cấu lại 3 trọng tâm là vốn đầu tư công, DNNN, TCTD việc thực hiện còn chậm so với yêu cầu, làm ảnh hưởng tới nguồn lực triển khai cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực khác, cũng như việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển cho giai đoạn tới, nhất là nguồn lực tài chính công.

Đánh giá vai trò của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Trong vấn đề thực hiện cơ cấu lại đầu tư công, Ủy ban Kinh tế đã thẳng thắn chỉ rõ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trong đầu tư phát triển không được phát huy.

"Cơ cấu đầu tư công theo ngành, lĩnh vực và vùng còn dàn trải, chưa gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Đầu tư công cho công nghiệp, nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; nhiều công trình giao thông có ý nghĩa kết nối vùng còn chậm tiến độ như dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận, các tuyến đường ven biển gắn với đê biển, đường biên giới phía Bắc, phía Tây, Tây Nam"  – báo cáo nêu.

Trong nhiệm vụ cơ cấu lại DNNN cũng bộc lộ nhiều mặt hạn chế khi mô hình quản trị chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế; thông tin về DNNN thiếu tính minh bạch; việc thực hiện cơ cấu lại một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ còn chậm, chưa triệt để. Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được giao; chưa tạo được sự thay đổi về chất đối với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa là nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trước những bất cập trên, Ủy ban Kinh tế đã "đề nghị bổ sung đánh giá về vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp".

Cơ cấu lại các TCTD là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, năng lực cạnh tranh của hệ thống các TCTD còn hạn chế do những khó khăn của nền kinh tế; còn ít các ngân hàng thương mại có quy mô lớn và có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Đề nghị đánh giá vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh 2.

Một số ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn sát ngưỡng quy định

Mặt khác, việc xử lý các ngân hàng thương mại mua lại bắt buộc gặp nhiều thách thức, tiến độ triển khai chậm; các giải pháp triển khai để xử lý vấn đề tỷ lệ an toàn vốn của một số ngân hàng thương mại nhà nước chưa hiệu quả, một số ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn sát ngưỡng quy định nên dư địa mở rộng tín dụng bị hạn chế.

"Việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội còn vướng mắc liên quan đến việc thu giữ tài sản bảo đảm, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán sau khi xử lý tài sản bảo đảm, mua bán khoản nợ xấu, thực hiện thủ tục rút gọn tại Tòa án, phát triển thị trường mua bán nợ và sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương...", báo cáo nêu.

Nguy cơ mắc kẹt ở những công đoạn thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu

Trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước, mặc dù khu vực công được đánh giá đạt nhiều kết quả tích cực về thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng thu nội địa và tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, tỷ lệ huy động thuế, phí so với GDP có xu hướng giảm, trong khi chính sách thu chậm được điều chỉnh, chưa bao quát hết các nguồn thu và thiếu đồng bộ với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư. Công tác quản lý tài chính, tài sản công, đất đai ở một số cơ quan, đơn vị còn kém hiệu quả.

Đối với khu vực kinh tế tư nhân và FDI, theo Ủy ban Kinh tế, mục tiêu tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đến năm 2020 đạt khoảng 50% khó hoàn thành.

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nước ta có nguy cơ bị "mắc kẹt" ở những công đoạn khá thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.

"Đề nghị làm rõ hơn cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân có quy mô lớn thời gian qua; việc triển khai các chính sách theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; mức độ gia tăng giá trị gia tăng trong giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo; những rào cản thể chế trong khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực doanh nghiệp" – báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp quá trình cơ cấu lại cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Ngành nông nghiệp chưa tạo được chuyển biến mạnh về tổ chức sản xuất, doanh nghiệp lớn còn ít. Trong khi đó, ngành công nghiệp phát triển còn chậm, nhất là trong việc phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên như cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ và hình thành các cụm chuyên môn hóa, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ nội địa hóa thấp để khai thác tối đa các ưu đãi về xuất xứ hàng hóa trong các cam kết theo các FTA "thế hệ mới".

Trước thực tế trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn tác động của các FTA "thế hệ mới" đối với sự tham gia của nước ta vào các chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, ưu tiên phát triển.

Việc phát triển đồng bộ thị trường các yếu tố sản xuất, theo Uỷ ban mới đạt kết quả bước đầu, thị trường chưa thực sự trở thành kênh phân bổ hiệu quả các nguồn lực xã hội. Thị trường tài chính, trong đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng vẫn chậm phát triển, chưa thể hiện vai trò là kênh huy động vốn dài hạn của doanh nghiệp; quy mô thị trường bảo hiểm còn nhỏ so với tiềm năng, thiếu cơ chế quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem