Đề nghị hoãn xây đập trên sông Mekong

Thứ tư, ngày 15/08/2012 07:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những tổn thất của nông nghiệp, thủy sản do các đập thủy điện gây ra cao gấp 10 lần so với lợi ích của nó đem lại...
Bình luận 0

60 triệu người dân với 100 dân tộc, gồm 6 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nếu 11 đập thủy điện lớn được dự kiến xây dựng trên sông Mekong. TS Đào Trọng Tứ - chuyên gia Nhóm công tác sông Mekong (VRN) cho biết như vậy tại Hội thảo khoa học “Mekong và đập thủy điện” tổ chức tại TP.HCM sáng 14.8.

img
Cá tra dầu - loài cá quý hiếm còn tồn tại rất ít trên sông Mekong.

An ninh lương thực bị đe dọa

Theo TS Tứ, những đập này có nguy cơ sẽ gây tổn hại không thể phục hồi tới sinh thái sông Mekong. Đồng thời, vấn đề sinh kế và an ninh lương thực của hàng triệu cư dân sinh sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên của sông Mekong rơi vào tình trạng bị đe dọa.

Vì vậy, TS Tứ đề xuất nên trì hoãn thêm 10 năm nữa việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong, cho tới khi tiến hành nghiên cứu sâu hơn và các nhà chức trách có đầy đủ thông tin về rủi ro do việc xây dựng các đập thủy điện gây ra.

Đồng tình, bà Ngụy Thị Khanh (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu), cho rằng những kế hoạch phát triển và sử dụng nguồn tài nguyên nước không bền vững sẽ có nguy cơ đe dọa môi trường đa dạng sinh học sông Mekong (trên 1.300 loài cá sinh sống) và sinh kế của hàng triệu người dân ven sông Mekong.

TS Lê Anh Tuấn từ Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ, nhận định việc xây dựng các đập trên sông Mekong sẽ làm hàng ngàn người dân bị mất chỗ ở, chế độ dòng chảy bị thay đổi và mất hàng triệu tấn phù sa. Lúc đó, sẽ gia tăng sạt lở bờ sông, bờ biển và cắt đứt giao thông thủy, đe dọa nghiêm trọng nguồn cá và sút giảm tính đa dạng sinh học.

Mực nước sông Mekong đang thấp kỷ lục

Theo Ủy hội sông Mekong (MRC), 60 triệu người ở vùng hạ nguồn có cuộc sống hầu như lệ thuộc hoàn toàn vào sông Mekong. Dòng nước này là một tác nhân kinh tế quan trọng trong khu vực, vừa là nguồn cung cấp lương thực cho cư dân hai bên bờ, vừa là trục giao thông thiết yếu. Mực nước sông Mekong hiện giảm đến mức kỷ lục ở đoạn chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã khiến hơn 20 chiếc tàu chở hàng bị mắc cạn, khiến hơn 6 triệu người và 3,6 triệu gia súc bị thiếu nước uống.

Tại Lào và Thái Lan, hoạt động du lịch trên tuyến đường thủy đã bị hủy bỏ. Mực nước sông Mekong chảy qua nhiều địa phương của Lào tiếp tục xuống thấp chưa từng thấy, giảm 10cm mỗi ngày. Các trạm thuỷ lợi ở thủ đô của Lào đã không đủ nước hoạt động, đe dọa nặng nề vụ mùa của 5 huyện ven sông.

MRC cũng cho rằng nguyên nhân chính khiến mức nước sông giảm mạnh do tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong vùng, do hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra. Ngoài ra, còn do việc xây dựng nhiều con đập thủy điện qua dòng sông này. Gần đây, khu vực tây nam Trung Quốc gặp hạn hán cả trăm năm chưa từng thấy. 4 nước Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia cũng gặp hạn hán trầm trọng.

Những tổn thất đối với ngành thủy sản và nông nghiệp do các đập thủy điện gây ra cao gấp 10 lần so với lợi ích của các ngành này. Cụ thể, nông nghiệp và thủy sản sẽ bị tổn thất khoảng 500 triệu USD/năm, trong khi lợi ích tiềm năng từ thủy sản hồ chứa chỉ là 30 triệu USD/năm.

Theo TS Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng Ủy ban Sông Mekong Việt Nam, đang xảy ra một trận hạn hán nghiêm trọng trên toàn lưu vực sông Mekong. Đây là một lưu vực sông lớn, xưa nay chỉ có thể xuất hiện hạn hán từng vùng nhưng bây giờ có thể nói dòng chảy đã cạn kiệt trên toàn lưu vực từ thượng lưu của Trung Quốc tới khu vực ĐBSCL của Việt Nam.

Chính vì thế, đại diện cấp cao các nước trong lưu vực bày tỏ mối quan tâm lo ngại, làm thế nào đưa ra được các biện pháp cảnh báo hạn hán sớm để giảm nhẹ mức độ thiệt hại. TS Lê Anh Tuấn cảnh báo, Việt Nam mà đặc biệt là vùng ĐBSCL hoàn toàn không có hưởng lợi gì từ việc xây các đập thủy điện trên sông Mekong.

Các tổn thất sẽ “đánh” ngay vào 2 trụ cột kinh tế lớn nhất vùng ĐBSCL là nông nghiệp và thủy sản. Việt Nam sẽ mất đi vai trò hàng đầu trong xuất khẩu lương thực và thực phẩm trên thị trường quốc tế. Đồng thời, sự suy giảm hệ sinh thái đất ngập nước và tính đa dạng sinh học ở ĐBSCL gần như vĩnh viễn, hoàn toàn không thể khôi phục. Người nghèo ở cả nông thôn và thành thị sẽ bị tổn thương nặng nề nhất...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem