Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Với hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết dự thảo luật chưa đặt trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Cần lượng hóa trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội để tình trạng trốn đóng, chậm đóng giảm chứ không thể gia tăng theo tốc độ nhu thời gian qua.
Theo đại biểu, nhiều doanh nghiệp FDI ngoài việc chậm đóng thì còn trốn đóng khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất đã để lại hàng trăm nghìn người lao động vất vả trong thụ hưởng chính sách ốm đau, thai sản.
Nêu biện pháp xử lý, đại biểu cho rằng với tình trạng hiện nay, dự thảo luật không nên quy định việc trốn đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng trở lên thì phải ngừng sử dụng hóa đơn. Bởi khi đã trốn đóng bảo hiểm thì phải áp dụng quy định pháp luật hình sự chứ chỉ dừng ở mức ngừng hóa đơn sẽ không đủ sức răn đe, tác động đến doanh nghiệp. Việc ngừng hóa đơn chỉ áp dụng khi chậm đóng bảo hiểm bắt buộc.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội (đoàn Thừa Thiên Huế) nêu thực tế nhiều doanh nghiệp lách luật để "né" đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
"Chúng ta cũng thấy, doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động mất khoảng 25% chi phí sản xuất, một con số rất nhiều ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp. Nên doanh nghiệp sẽ tìm cách né tránh", ông Hải nói và cho biết né tránh bằng cách cho người lao động trợ cấp, nhận bổ sung chứ không tính vào tiền lương.
Thêm nữa, khi doanh nghiệp cố tình không đóng bảo hiểm xã hội, hiện nay đã có luật, Luật Hình sự đã quy định. Tuy nhiên, theo ông Hải thời gian qua rất hiếm trường hợp xử lý, có chăng xử lý thì xử lý hình sự đối với pháp nhân chứ chưa có trường hợp nào xử lý đối với cá nhân.
"Đây cũng là vấn đề đặt ra của các cơ quan Nhà nước để quản lý, cần có một chính sách để quản lý hợp lý đối với các quy định của doanh nghiệp lách luật", ông Hải nhấn mạnh.
Còn đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) đề nghị, đối với quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hoá đơn đối với ngưởi sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH thời gian từ 6 tháng thì nên nâng thành 12 tháng trở lên. Bởi khi ngừng sử dụng hoá đơn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động.
"Tại khoản 3 Điều 37, tôi đề nghị bổ sung chế tài xử lý, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ Luật hình sự đối với những hành vi trốn đóng BHXH như hành vi trốn thuế. Như vậy mới đủ sức răn đe", ông Thành nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM (đoàn TP.HCM) cũng bày tỏ quan tâm các hành vi bị nghiêm cấm theo điều 8 dự thảo luật. Theo bà Lệ, hiện nay, có những đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động nhưng vẫn trích trừ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương.
Do đó, cần thiết phải quy định hành vi chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội tại Luật Bảo hiểm xã hội để làm tiền đề quy định và xử lý vi phạm đối với hành vi này của người sử dụng lao động tại pháp luật hành chính và hình sự.
"Thực tế rất nhiều trường hợp doanh nghiệp vi phạm đóng BHXH nhưng chỉ đến khi công nhân khiếu kiện (do không được hưởng các chế độ), công nhân ngừng việc tập thể thì cơ quan chức năng mới vào cuộc", Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nêu rõ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.