Đề nghị triệu tập đại diện Eximbank tới phiên xử cựu Phó giám đốc lừa đảo 2.700 tỷ đồng

Gia Bình Thứ hai, ngày 09/09/2024 11:21 AM (GMT+7)
Nhóm đại diện tham gia tố tụng của Eximbank vắng mặt tại phiên tòa xét xử cựu Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng này lừa đảo 2.700 tỷ, chỉ cử một nhân viên đến nghe diễn biến. Phía bị hại cho rằng cần triệu tập đại diện ngân hàng để làm rõ các vấn đề liên quan.
Bình luận 0

Ngày 9/9, TAND TP.Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử Vũ Thị Thu Nhung (SN 1977), cựu Phó giám đốc Eximbank chi nhánh Ba Đình về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trước đó, phiên tòa từng hoãn một lần do vắng mặt bị hại, người liên quan.

Theo phần thủ tục tại tòa, nhóm 3 người là đại diện được triệu tập đến tố tụng của Eximbank vắng mặt, chỉ một nhân viên ngân hàng này đến nghe diễn biến.

Các luật sư bảo vệ cho bị hại đề nghị, cần triệu tập đại diện Eximbank đến tham gia phiên tòa để làm rõ các vấn đề liên quan. Luật sư đề nghị bác tư cách tham gia của nhân viên ngân hàng có mặt tại tòa vì chỉ "đến nghe theo chỉ đạo".

Ngoài ra, cần triệu tập những người làm "trung gian", giúp bị cáo Nhung lừa đảo. Lý do, các bị hại từng tố cáo nhóm trung gian này mới là thủ phạm lừa đảo nhưng cơ quan điều tra không xử lý. Các luật sư cho rằng nếu họ vắng mặt, cần áp giải tới tòa.

Sau hội ý, chủ tọa cho rằng phiên xử kéo dài và nếu cần thiết sẽ áp giải những người liên quan tới tòa. Do vậy, Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.

Đề nghị triệu tập đại diện Eximbank tới phiên xử cựu Phó giám đốc lừa đảo 2.700 tỷ đồng- Ảnh 1.

Vũ Thị Thu Nhung, cựu Phó giám đốc chi nhánh của Eximbank bị cáo buộc lừa đảo.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2014 - 2022, bị cáo Nhung lợi dụng vị trí làm việc tại Eximbank, dùng 2 thủ đoạn khác nhau để lừa đảo của khoảng 100 bị hại với tổng số tiền hơn 2.705 tỷ đồng.

Thứ nhất, Nhung đưa thông tin gian dối về việc ngân hàng có ưu đãi chương trình tiền gửi linh hoạt dành cho khách hàng ưu tiên; gửi tiền giữ hộ có kỳ hạn; tiền gửi trong giao dịch tài chính, trái phiếu ngân hàng với lãi suất cao từ 7,5 – 32%/năm hoặc nhận quà tặng giá trị lớn.

Nhung cho hay các chứng chỉ chương trình được quản lý nội bộ của lãnh đạo Eximbank, không phát hành rộng và đề nghị những người có nhu cầu tham gia sẽ gửi tiền cho bị cáo. Cô ta chịu trách nhiệm chuyển tiền vào tài khoản của nhà băng và gửi lại chứng từ, tiền lãi kèm gốc, tiền chăm sóc khách hàng cho người gửi tiền.

Thủ đoạn khác, Nhung nói Chi nhánh Ba Đình nơi cô ta làm Phó giám đốc có thanh lý các bất động sản là "nợ xấu" và kêu gọi đầu tư. Việc đầu tư phải qua Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản Việt Nam – doanh nghiệp sân sau của các lãnh đạo Eximbank. Thực tế, công ty này do Nhung thành lập, nhờ người khác đứng tên.

Nhung khẳng định với các nhà đầu tư, nếu gửi tiền vào sẽ nhận lại sau thời gian ký quỹ từ 5 – 25 ngày kèm lợi nhuận từ 10 – 14% vốn ban đầu.

Để các bị hại tin tưởng, Nhung còn làm giả 57 tài liệu của Eximbank, đưa cho họ nhằm khiến họ tiếp tục chuyển tiền cho bị cáo.

Cơ quan tố tụng xác định, sau khi nhận tiền của nhiều người, Nhung không thực hiện các cam kết mà "lấy của người sau trả cho người trước", còn lại chi tiêu cá nhân hết. Tổng cộng, Nhung lừa đảo của khoảng 100 người tổng số 2.705 tỷ đồng.

Đến nay, phía điều tra mới xác định được 47 bị hại trong vụ án với số tiền bị lừa là hơn 788 tỷ đồng. Trong số này, bị cáo Nhung dùng 477 tỷ để trả lãi hoặc lợi nhuận cho bị hại nên còn chiếm đoạt 311 tỷ đồng.

Cáo trạng cũng khẳng định trong 311 tỷ nói trên, Vũ Thị Thu Nhung chỉ trực tiếp lừa đảo 178 tỷ đồng của 21 bị hại. Số còn lại, cô ta lừa đảo thông qua những trung gian gồm các bà Nguyễn Thị Hồng, Vũ Thu Hồng, Lê Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Hạnh và Đặng Thu Thủy.

Hiện, bị cáo Nhung không có khả năng khắc phục hậu quả và phải chịu tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần. Nhung tuy vậy được ghi nhận đã "thành khẩn khai báo".

Quá trình xử lý vụ án, cảnh sát xác minh một số tài sản liên quan Vũ Thị Thu Nhung. Tuy nhiên, chỉ duy nhất một tài khoản của cô ta tại ngân hàng Vietinbank bị phong tỏa, trong có 1,1 tỷ đồng. Các tài sản khác không thể kê biên để khắc phục hậu quả.

Nhung có 2 ô tô, hiệu Mercedes và Ford nhưng đều là tài sản đảm bảo cho các khoản vay của cô ta tại GPbank, tổng dư nợ gần 600 triệu đồng. Tại cơ quan điều tra, Nhung có đơn đề nghị trả 2 ô tô này cho GPbank và cảnh sát đã chấp nhận.

Tài sản tiếp theo, Vũ Thị Thu Nhung có một căn chung cư rộng hơn 120m2 ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) nhưng bị thế chấp tại ngân hàng VIB để đảm bảo khoản vay 1,6 tỷ đồng. Đến nay, ngân hàng tính cả gốc và lãi là 1,8 tỷ đồng nên cảnh sát không thể kê biên.

Tương tự, mảnh đất 120m2 tại khu nhà vườn (quận Tây Hồ, Hà Nội) của Nhung cũng đang thế chấp tại BIDV. Khu đất này được định giá hơn 16 tỷ đồng còn khoản vay tại BIDV có tổng gốc, lãi là 11,5 tỷ đồng nên không thể dùng để khắc phục hậu quả.

Các thửa đất của Nhung tại đường Kim Mã và huyện Ba Vì (Hà Nội) đã được chuyển nhượng cho người khác trước khi khởi tố vụ án. Do vậy, cảnh sát không có căn cứ để kê biên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem