Đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm

Nhóm PV (tổng hợp) Thứ tư, ngày 20/12/2017 17:39 PM (GMT+7)
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an vừa ban hành bản kết luận điều tra về những sai phạm của ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm, đồng thời đề nghị truy tố các cá nhân trên với 2 tội danh.
Bình luận 0

Theo nguồn tin từ báo điện tử VNExpress, ngày 20.12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ký ban hành kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm.

Theo kết luận điều tra, ông Đinh La Thăng và 6 bị can khác bị đề nghị truy tố các tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Ngoài ông Thăng còn có 5 bị can khác bị đề nghị truy tố gồm ông Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc OceanBank), Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức. Các bị can này đều bị đề nghị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Riêng bị can Ninh Văn Quỳnh (Phó Tổng giám đốc tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) bị đề nghị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

img

Ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm khác bị đề nghị truy tố sau 12 ngày ông này bị khởi tố và bắt tạm giam.(Ảnh: VNE)

Theo bản kết luận điều tra, năm 2006, PVN được giao thành lập mới một ngân hàng của ngành dầu khí và nắm trên 50% vốn điều lệ. Tập đoàn này đã chuẩn bị thành lập ngân hàng mang tên Hồng Việt; xúc tiến lập ban trù bị, xây dựng bộ máy, tuyển dụng nhân sự, mua sắm thiết bị… Tới năm 2008, PVN dừng việc thành lập ngân hàng riêng mà chuyển sang gốn vốn mua cổ phần của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) do Hà Văn Thắm là Chủ tịch HĐQT.

PVN góp 20% vốn điều lệ vào nhà băng này, chia làm ba đợt với tổng tiền 800 tỷ. Trong ba đợt này, đợt cuối cùng góp vào giữa năm 2011. Cơ quan điều tra cáo buộc, việc góp vốn đợt ba vào thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2011) quy định một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Do vậy, việc này là trái luật. OceanBank sau đó có nhiều sai phạm, hàng chục lãnh đạo bị xử lý hình sự. 

Theo kết luận điều tra, ông Thăng đã không có chỉ đạo nào đối với HĐQT và ban điều hành PVN để thống nhất chủ trương, thực hiện thẩm định, khảo sát Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), phương án góp vốn, tính hiệu quả khi tập đoàn góp vốn mua cổ phần của ngân hàng này.

Cũng theo kết luận điều tra, ông Thăng không thông qua HĐQT mà đã ký thỏa thuận thống nhất với Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT OceanBank) về việc góp vốn vào ngân hàng này, đồng thời bản thân ông Thăng cũng không báo cáo Chính phủ theo đúng quy định.

Thậm chí, sau khi ký thỏa thuận góp vốn, ông Thăng tiếp tục đồng ý chủ trương, ký ban hành các nghị quyết góp vốn, bổ sung vốn góp vào OceanBank khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ; ký quyết định cử người đại diện phần vốn góp của PVN bằng 20% vốn điều lệ OceanBank.

Mặc dù được Hội đồng thành viên và thư ký báo cáo về việc ban hành nghị quyết góp vốn không đúng quy định nhưng ông Thăng không chỉ đạo điều chỉnh hoặc thoái vốn. Việc làm này là trái các quy định tại nghị định của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN tại OceanBank.

Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Điều 165 BLHS quy định: 

“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản: Theo điều 280 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19.6.2009, tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định như sau:

1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:

a) Có tổ chức; b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; c) Phạm tội nhiều lần; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem