Như Dân Việt đã đưa tin, ông Đinh La Thăng đã bị khởi tố để điều tra hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong Bộ luật hình sự 2015 sẽ có hiệu lực từ 1.1.2018, tội danh này sẽ không còn. Vậy việc xử lý người vi phạm hành vi này sẽ được thực hiện như thế nào?
Ông Đinh La Thăng khi còn làm việc tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. IT
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Hành vi của ông Đinh La Thăng diễn ra từ trước và phát hiện từ trước, vì vậy tại thời điểm này cơ quan công an vẫn tiến hành khởi tố bình thường theo quy định của Bộ Luật hình sự đang có hiệu lực. Bộ luật mới đến 1.1.2018 mới có hiệu lực”.
Luật sư Tuấn Anh cho biết, nếu bị cáo buộc là có tội khi ra tòa, ông Đinh La Thăng sẽ được xét xử theo Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009.
Phân tích thêm, luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế đã được bỏ rồi nhưng còn rất nhiều vấn đề liên quan.
Ban đầu, theo dự kiến Bộ Luật Hình Sự 2015 có hiệu lực từ 1.7.2016. Trong Bộ Luật này không còn điều 165 của Bộ Luật hình sự năm 1999, bổ sung năm 2009.
Theo hướng dẫn của Quốc hội ở thời điểm đó, đối với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1.7.2016 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 để xử lý.
Ông Đinh La Thăng bị khởi tố để điều tra hành vi Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Ảnh Zing.
Nếu sau thời điểm 0 giờ 00 ngày 1.7.2016 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo tội danh tương ứng.
Tuy nhiên, Bộ Luật hình sự 2015 khi đó còn nhiều tranh cãi nên đã được Quốc hội hoãn hiệu lực thi hành. Sau đó, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Luật sử đổi bổ sung Bộ Luật hình sự năm 2015 có hiệu lực từ 1.1.2018, đồng thời có hướng dẫn mới.
“Nếu Bộ Luật có hiệu lực từ 1.7.2016, thì nhiều bị can là các quan chức trong những vụ án lớn như ông Đinh La Thăng đã không thể bị khởi tố theo tội danh của điều 165 Bộ Luật hình sự năm 1999, mà phải tìm dấu hiệu vi phạm ở tội danh khác để khởi tố" – ông Tuấn Anh cho hay.
Bên cạnh đó, trong Bộ luật hình sự mới sắp có hiệu lực không có điều luật nào thay thế tương đương điều 165 cũ đã được bỏ, thay vào đó có 9 tội danh mới được quy định.
Đó là: tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224); tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230).
Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết: “Thực ra tội cố ý làm trái quy định Nhà nước trong quản lý kinh tế, theo tôi chỉ áp dụng được trong các cơ quan Nhà nước. Còn thực tế phát triển kinh tế rộng hơn.
Ví dụ, trong câu chuyện cổ phần hóa sẽ có nhiều hành vi vi phạm khác có thể xảy ra như lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản hay thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Khi không còn tội danh đó, cơ quan điều tra sẽ tiến hành điều tra dấu hiệu vi phạm của các tội danh khác được quy định trong luật mới”.
Điều 165 BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.