Để người nhiễm HIV "Sống trọn vẹn từng phút giây, từng hơi thở"
Ngày Thế giới phòng chống AIDS: Để người nhiễm HIV "Sống trọn vẹn từng phút giây, từng hơi thở"
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 01/12/2022 17:38 PM (GMT+7)
Ngày hội "Sống trọn vẹn 2022 - Từng phút giây, từng hơi thở" với chủ đề "Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng" mới được Hội Phòng chống HIV/AIDS và Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM tổ chức, hướng đến mục tiêu huy động toàn bộ cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS, tiến đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM Bùi Hữu Hồng Hải cho biết, Ngày hội "Sống trọn vẹn" là hoạt động được TP.HCM tổ chức hàng năm với mục đích tăng cường sự chủ động tham gia tìm hiểu kiến thức điều trị và dự phòng HIV/AIDS của các đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên và cộng đồng; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống với HIV/AIDS và người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường các hoạt động dự phòng trước lây nhiễm HIV, xét nghiệm, điều trị sớm HIV/AIDS, cung cấp dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS, quảng bá dịch vụ sẵn có về HIV/AIDS đến người dân, đặc biệt là các nhóm thanh niên trẻ, những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao... Đây là một trong những hoạt động của TP.HCM nhằm góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM cho biết, với người sống với HIV thì "sống trọn vẹn" nghĩa là phải có thuốc duy trì, phải tuân thủ điều trị dù trong hoàn cảnh nào, không bị kỳ thị phân biệt đối xử, cũng như được bảo vệ quyền và sống có trách nhiệm.
Nhiều nhóm cộng đồng người sống với HIV tại TP.HCM hiện nay đã có sự chuyển mình, tiến bộ rất nhiều; vượt qua mặc cảm, tự ti để trở thành người sống có ích cho xã hội và đem kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để giúp đỡ, hỗ trợ những người cùng hoàn cảnh. Do đó, họ càng nên nhận được sự tôn trọng, chia sẻ từ xã hội.
Góp mặt tại ngày hội, Hoa hậu H'Hen Niê cho biết, cô đã có hơn 5 năm đồng hành cùng Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM. Người đẹp tâm đắc nhất là hành trình kêu gọi "Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử người sống với HIV và người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS".
Đặc biệt, hoạt động Vì hiểu mà đến giúp người tham gia hiểu rõ hơn về những rào cản, khó khăn của người có HIV. Đồng thời, đây là dịp để những người có HIV chia sẻ và lên tiếng về những bất cập trong đời sống. Ngoài ra, sự kiện còn kêu gọi các văn nghệ sĩ, cơ quan truyền thông góp phần lan tỏa và hưởng ứng phong trào Ngưng kỳ thị.
Phó Chủ tịch Hội Phòng chống HIV/AIDS TP.HCM Nguyễn Anh Phong bày tỏ lạc quan và hy vọng đại dịch AIDS sớm được đẩy lùi vào năm 2030 theo mục tiêu Sở Y tế TP.HCM đã đặt ra. Thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung vào những nhóm người có nguy cơ cao bằng cách đẩy mạnh các dịch vụ dự phòng, tăng cường xét nghiệm, điều tra, truy vết nhằm chặt đứt chuỗi lây truyền trong cộng đồng.
Theo khảo sát 1.623 người nhiễm HIV của mạng lưới người sống với HIV, giai đoạn từ năm 2011- 2020, ghi nhận chỉ số kỳ thị tại Việt Nam còn ở mức rất cao. Trong đó có hơn 50% người nhiễm HIV cho biết, việc tiết lộ tình trạng nhiễm đã dễ dàng hơn theo từng giai đoạn; 27,2% người bỏ lỡ việc điều trị vì sợ người khác biết tình trạng bệnh; 69,2% người nhiễm lo ngại người khác phát hiện tình trạng nhiễm, trì hoãn việc xét nghiệm, điều trị.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều chỉ thị, tổ chức các lớp tập huấn nhằm chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người HIV/AIDS cùng đó là việc cải thiện chất lượng dịch vụ y tế, cung cấp dịch vụ dự phòng như thuốc Arv, Prep và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.