Để nông nghiệp hữu cơ bứt phá: Lấy lợi thế vùng miền xây mô hình điểm

Nguyễn Vy Thứ tư, ngày 12/08/2020 16:31 PM (GMT+7)
Trên mỗi loại cây trồng, vật nuôi phù hợp lợi thế của từng địa phương, việc xây dựng những mô hình điểm là cần thiết. Đây sẽ là địa điểm vừa tham quan, học tập vừa là nơi tạo dựng niềm tin và chuyển giao công nghệ.
Bình luận 0

Mít xen sầu riêng

Mô hình trồng mít xen sầu riêng của ông Trần Công Minh (ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) được xem là một điểm sáng khi chuyển đổi cách sản xuất từ truyền thống sang nông nghiệp huuwx cơ (NNHC). Đây cũng là 1 trong 2 mô hình ở tỉnh Đồng Nai được Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với doanh nghiệp chọn triển khai thí điểm canh tác theo hướng NNHC.

“Điểm tựa” cho nông nghiệp hữu cơ bứt phá (bài 3): Lấy lợi thế vùng miền xây mô hình điểm - Ảnh 1.

Người dân làm nông nghiệp sạch tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Vy

"Chính người sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải học và phát huy vai trò tự giám sát lẫn nhau, để người tiêu dùng yên tâm vào sản phẩm của mình".

Ông Nguyễn Xuân Định -

Phó chủ tịch Trung ương Hội ND Việt Nam

Trên diện tích 14ha, vườn mít 19 tháng tuổi đã bắt đầu cho thu hoạch, còn sầu riêng đang trong giai đoạn kiến thiết. Chủ vườn cho biết, việc trồng xen 2 loại cây trồng này để tận dụng nguồn phân bón dinh dưỡng. Khi mít cho trái đến khoảng năm thứ 4, thứ 5 thì thoái hóa. Lúc đó, sầu riêng cũng đã bắt đầu có thu.

Thực tế, vườn cây này chỉ mới áp dụng quy trình canh tác hữu cơ từ cuối năm 2019. Do đó khi tiếp cận, vườn cây con có sẵn vẫn đang làm theo cách cũ. Công ty và chủ vườn phải thực hiện giai đoạn 1 là cứu đất và cứu cây nhằm khôi phục các vi sinh vật có ích trong hệ sinh thái. Sau gần 10 ngày phục hồi mới tiến hành giai đoạn nuôi cây.

Công ty TNHH Nông nghiệp - Sinh vật cảnh Việt Nam (đơn vị phối hợp) cho biết, cứ chu kỳ 20 ngày, công nhân sẽ tưới phân vào gốc cây. Sau đó phun thuốc lên tán để phòng trừ sâu bệnh. Tất cả phân bón và thuốc phòng trừ sâu bệnh đều là sản phẩm hữu cơ vi sinh do công ty cung cấp.

Bước đầu tiếp cận vườn cây 14ha này bằng quy trình chăm sóc hữu cơ cho thấy, cây trồng sinh trưởng tốt, bộ rễ phát triển mạnh, thân chắc khỏe và lá xanh. Đặc biệt mít đã bắt đầu thu hoạch, cho trái to và chất lượng.

Ông Phạm Minh Lan - Trưởng phòng Quản lý phân bón (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, Cục đã ký kết với 14 doanh nghiệp (DN) trên cả nước và tiếp tục lựa chọn cho các đợt ký kết tiếp theo. Tổng kinh phí cho các chương trình từ tập huấn, trình diễn các mô hình mẫu gần 600 tỷ đồng. Kinh phí từ nguồn của DN là chính.

Trên tổng diện tích hơn 50.00ha, trên các cây trồng chồng chủ lực có giá trị cao của các địa phương, mục đích của chương trình là đưa phân bón hữu cơ thay thế dần phân bón hóa học. "Quá trình tổng kết như thế này đánh giá lại phương thức canh tác làm sao mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân"- ông Lan nói.

Phát huy lợi thế

Theo ông Đoàn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM, cần ủng hộ những trang trại, DN sản xuất hữu cơ nếu hội đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật, thị trường. Trên hết, cần có sự lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm và vùng sản phẩm thích hợp cho các thị trường xác định.

Đặc thù đất nông nghiệp ở thành phố là nhỏ lẻ, sen cài dân cư, tập trung chủ yếu ở các quận huyện ngoại thành. Quá trình đô thị hóa lại diễn ra nhanh, trong khi diện tích canh tác không thể mở rộng và đang có xu hướng giảm dần.

Để khắc phục những những nhược điểm trên, nông nghiệp thành phố đang chuyển dịch sang sản xuất bền vững. Trong đó phải đáp ứng 2 yêu cầu cơ bản là nhu cầu nông sản của người dân và duy trì được tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ mai sau. NNHC là việc làm cấp thiết, tiếp cận nền nông nghiệp bền vững.

Ở TP.HCM, những mô hình DN làm NNHC đang dần hiện hữu. Như mô hình trang trại 12ha của Công ty TNHH Nông nghiệp Thống Nhất (huyện Nhà Bè) là trang trại hữu cơ đầu tiên của thành phố đạt chứng nhận hữu cơ USDA, EU và JAS cho 2 nhóm sản phẩm rau củ quả, trứng gia cầm. Mô hình Aquaponics nuôi thủy sản tuần hoàn kết hợp trồng rau sạch theo hướng hữu cơ của ông Hồ Thanh Huy (huyện Bình Chánh) cũng là giải pháp phù hợp cho nông nghiệp đô thị.

Ông Ngô Thanh Tuyền - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An kể, Hội ND đã phối hợp với huyện Châu Thành triển khai chương trình hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để khuyến khích người dân sản xuất thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ.

Tập đoàn này sẽ cung cấp quy trình, bao tiêu và hỗ trợ 370 tấn phân hữu cơ để nông dân canh tác. Hiện nay, diện tích thực hiện mô hình đạt 256ha, với 456 hộ tham gia. Đây là một phần diện tích trong mô hình điểm với 842ha thanh long hữu cơ của huyện Châu Thành.

"Tuy diện tích chưa đáng kể, nhưng cá biệt đã có những hộ nông dân sản xuất thanh long tiệm cận hữu cơ theo tiêu chuẩn GlobalGAP, phục vụ xuất khẩu thị trường Nhật Bản và châu Âu"- ông Tuyền cho biết.

Theo ông Nguyễn Xuân Định - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN, sau cái được rất lớn về năng suất, việc sử dụng quá nhiều hóa chất đã dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, sức khỏe. Hơn nữa, sản xuất nông sản dồi dào nhưng chất lượng không cao nên thu nhập đại bộ phận người dân vẫn thấp.

NNHC đã được Hội ND chú ý, triển khai nhiều mô hình thành công từ những năm 2000. Qua đó xúc tiến thành lập Hiệp hội NNHC Việt Nam, rồi xây dựng các quy định, tiêu chuẩn liên quan.

Tới đây, Hội ND phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, để cả nông dân lẫn người dùng nhận thức đúng đắn hơn về NNHC. Hội ND sẽ phối hợp chính quyền, nhà khoa học, DN xây dựng thêm nhiều mô hình điểm để tham quan học tập và nhân rộng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem