Để phát triển ngành chăn nuôi, cần cải thiện nhiều khâu kể cả năng lực quản lý nhà nước
Để phát triển ngành chăn nuôi, cần cải thiện nhiều khâu kể cả năng lực quản lý nhà nước
Nguyên Vỹ
Thứ năm, ngày 30/05/2024 06:04 AM (GMT+7)
Ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, trong đó có hạn chế ở năng lực quản lý nhà nước. Hội nhập quốc tế là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ như thế tại Triển lãm ILDEX Vietnam 2024 về chăn nuôi, sản xuất sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thuỷ sản lần thứ 9 đang tổ chức tại TP.HCM.
Còn tồn tại nhiều hạn chế trong ngành chăn nuôi
Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, giống vật nuôi hiện phụ thuộc giống nhập ngoại, chưa chú trọng phát triển giống bản địa gắn với thị trường. Công tác quản lý nhà nước về giống chưa thực sự hiệu quả.
Thức ăn chăn nuôi thì phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu. Chi phí logistics còn cao.
Hiện nay, cơ sở nuôi nhỏ lẻ chưa thực hiện xử lý chất thải vẫn chiếm tỷ lệ cao (28%). Việc quản lý và sử dụng chất thải chăn nuôi như một nguồn tài nguyên còn thiếu hiệu quả.
Trong khâu tổ chức sản xuất, trong nước chưa có quỹ đất dành riêng cho phát triển chăn nuôi. Chăn nuôi quy mô nhỏ chiếm tỷ trọng cao trong khi chuyển dịch cơ cấu và liên kết chuỗi sản xuất còn chậm. Chăn nuôi an toàn sinh học chưa đồng bộ, chưa chú trọng đến chế biến sản phẩm chăn nuôi.
Cũng do diện tích đất hạn chế, Việt Nam là 1 trong những nước có mật độ chăn nuôi cao. Điều này gây áp lực lớn đến môi trường. Một vấn đề nữa là công tác thống kê và dự báo, kết nối sản xuất với thị trường chưa làm tốt.
Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường đánh giá, nguồn cung và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, vẫn còn cảnh báo và hàng bị trả về. Giá thành sản phẩm còn cao. Tỷ trọng sản phẩm có nhãn hiệu, thương hiệu được nhận diện trên thị trường còn thấp.
Một trong những nguyên nhân là do quy hoạch và tổ chức vùng nguyên liệu gắn với chế biến và thị trường còn bất cập. Hệ thống giám sát thanh tra, xử lý vi phạm tại cấp cơ sở còn hạn chế. Thông tin thị trường, nhu cầu thị hiếu tiêu dùng chưa kịp thời.
Bối cảnh quốc tế tiếp tục các xung đột, gây đứt gãy chuỗi cuneg ứng. Lãi suất, lạm phát khó lường mà nhu cầu tăng chậm. Trong nước, giá vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao.
Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường đề xuất sớm hoàn thiện trình ban hành và tổ chức thực hiện Đề án về logistics; cũng như sớm hoàn thiện trình Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định về thương hiệu nông sản; có giải pháp khai thác hiệu quả các nhãn hiệu đã được chứng nhận, bảo hộ.
Hội nhập quốc tế để phát triển ngành chăn nuôi
Tại Triển lãm ILDEX Vietnam 2024, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi là 1 yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và uy tín của ngành chăn nuôi.
Việc tạo ra môi trường thuận lợi để khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi là rất cần thiết.
Để đạt được mục tiêu này, theo Thứ trưởng Tiến, rất cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, nông dân và cộng đồng quốc tế.
Triển lãm ILDEX Vietnam 2024 về chăn nuôi, sản xuất sữa, chế biến thịt và nuôi trồng thuỷ sản lần thứ 9 có sự tham gia của hơn 230 đơn vị đến từ 32 quốc gia.
Các gian hàng trưng bày các mô hình, công nghệ, máy móc, thiết bị tập trung các nhóm lĩnh vực về chuồng trại, dinh dưỡng, giống vật nuôi, sức khỏe vật nuôi, giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản của thế giới và Việt Nam.
Triển lãm ILDEX Vietnam không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu công nghệ, sản phẩm mới.
Theo Thứ trưởng Tiến, đây cũng là diễn đàn để cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia tiếp xúc, học hỏi, cập nhật và áp dụng những tiến bộ của thế giới; trao đổi, thảo luận về thực trạng, thuận lợi, khó khăn, định hướng và giải pháp phát triển ngành chăn nuôi.
Theo Cục Chăn nuôi, chiến lược của ngành đặt mục tiêu mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 4-5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030: 3-4%/năm.
Năm 2025, trong nước đặt đạt 5,5-6 triệu tấn thịt xẻ các loại. Trong đó thịt lợn 63-65%, thịt gia cầm 25 - 27%, thịt gia súc ăn cỏ 9-11%. Bình quân sản phẩm chăn nuôi trên đầu người đến năm 2025 khoảng 55 - 57 kg thịt xẻ, 160-170 quả trứng, 17 -18 kg sữa.
Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đến năm 2025 khoảng 60% và 40%, đến năm 2030 khoảng 70% và 50%. Ngành chăn nuôi sẽ xây dựng được ít nhất 10 vùng an toàn dịch bệnh và đến năm 2030 là 20 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện.
Ngành chăn nuôi lợn sẽ phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp và chăn nuôi truyền thống gắn với chăn nuôi hữu cơ. Tổng đàn lợn đạt 29-30 triệu con, trong đó đàn nái 2,5 - 2,8 triệu con, đàn lợn nuôi trang trại, công nghiệp chiếm 70%.
Thức ăn chăn nuôi có quy mô công suất thiết kế khoảng 40-45 triệu tấn, sản lượng thực tế khoảng 30 - 32 triệu tấn, chiếm khoảng 70% thức ăn tinh tổng số. Việt Nam sẽ pát triển mạnh công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, sản xuất được các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất và tận thu, nâng cao giá trị dinh dưỡng nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.