Để tháng Giêng bớt ăn chơi

Thứ tư, ngày 16/02/2011 19:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ khá lâu, trong dân gian có câu ca "tháng Giêng là tháng ăn chơi; tháng Hai cờ bạc, tháng Ba lễ chùa". Người nông dân sau một năm làm lụng vất vả hai sương một nắng, cấy hái xong, ăn Tết, đã đi du xuân, lễ hội, coi đó là món ăn tinh thần.
Bình luận 0

Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhìn tổng quát một bộ phận lớn người dân đã có "bát ăn, bát để"; một bộ phận dân cư còn "rủng rỉnh" tiền tiêu, "phú quý sinh lễ nghĩa", nên việc du xuân, lễ hội đã phát triển lên tầm cao mới, thậm chí còn vượt quá cả về phạm vi, cả về thời gian, cả về thu nhập, cả về phạm vi văn hóa tinh thần...

Hội họ, hội làng, hội lớp, hội đồng hương… thời gian gần như liên miên, thường kéo dài cả tháng vẫn chưa hết, đó là chưa kể một người có thể "trùng hội" trong một ngày. Không ít người kiếm tiền cả năm, nhưng đã tiêu vào các tháng ăn chơi, cờ bạc, lễ hội hết đến phân ba, phân nửa. Lễ hội là văn hóa tinh thần, nhưng cũng không ít cuộc đã vượt quá thành mê tín dị đoan… Cùng với việc "ăn chơi, cờ bạc, lễ chùa" nhiều tai nạn, tệ nạn đã ăn theo mùa lễ hội như ách tắc, tai nạn giao thông, “chặt chém” vô tội vạ, đổi tiền lẻ thu chênh lệch tới 20-30%, cờ bạc, bói toán, mê tín dị đoan nở rộ,…

Năm nay số ngày được nghỉ liên tục khá dài (lên đến 8 ngày), chưa kể một số người còn kết hợp nghỉ phép năm, nghỉ gối từ ngày 28 Tết và chờ đến ngày đẹp mới trở lại cơ quan, đơn vị. Năm 2010 được coi là khá thành công khi đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhất là tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi vị thế quốc gia... nhưng vẫn là năm tăng trưởng kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục.

Vị thế quốc gia đã chuyển từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình, nhưng vẫn là nhóm trung bình thấp, để chuyển vị thế sang nước trung bình Việt Nam còn phải phấn đấu thật quyết liệt, phấn đầu bền bỉ, liên tục trong hàng chục năm nữa! Hơn nữa, "ăn chơi sớm" cũng là một trong "cái bẫy" của nhiều nước thu nhập trung bình khi từ nước thu nhập thấp chuyển lên. Các cụ đã truyền lại câu nói "nhà giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn", có lẽ cũng muốn răn dạy khi còn nghèo, nếu ăn chơi quá mức thu nhập của mình và muốn giàu thì phải "tham việc".

Cần cù sẽ tạo nên của cải; cần cù cộng với có đầu óc, thì của cải sẽ tăng lên gấp bội. "Ăn chơi" là sự nghỉ ngơi, nhằm tái sản xuất ra sức lao động và tạo ra của cải nhiều hơn nữa trong chu kỳ sau. Nhưng nếu "ăn chơi" trong khi “chiếc bánh” GDP còn nhỏ, "ăn chơi" theo kiểu "đú", "vượt người" thì chẳng khác gì như "gió vào nhà trống", vẫn chẳng thoát nghèo, thậm chí còn lụn bại hơn nếu sa vào tệ nạn cờ bạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem