Đề thi môn Văn lớp 12 khiến học sinh khen nức nở "quá hay"

Tào Nga Thứ ba, ngày 19/04/2022 16:18 PM (GMT+7)
Đề thi môn Văn lớp 12 của tỉnh Vĩnh Long được nhận xét hay, chọn được các ngữ liệu có ý nghĩa sâu sắc, truyền tải được các thông điệp nhân văn về cuộc sống.
Bình luận 0

Mới đây, Sở GDĐT Vĩnh Long đã tổ chức kiểm tra cuối học kỳ II, năm học 2021-2022 cho học sinh lớp 12. Trong đó, đề thi môn Văn đã gây được ấn tượng cho học sinh và giáo viên. 

Cụ thể, trong thời gian làm bài 90 phút, học sinh trả lời 2 phần Đọc hiểu và Làm văn. Phần Đọc hiểu yêu cầu học sinh như sau:  "Đọc bài thơ "Áo cũ" của tác giả Lưu Quang Vũ và chỉ ra 1 câu thơ cho thấy thái độ trân quý, yêu thương của "con" đối với những chiếc áo dù đã cũ. Tác giả muốn gửi tâm tình đến ai ở ba khổ thơ đầu và khổ thơ cuối? Theo anh/chị, vì sao "con" vẫn quý, vẫn thương chiếc áo dù đã cũ?".

Cũng từ bài thơ này, ở phần Làm văn, đề bài yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về vấn đề được gợi ra từ câu thơ: "Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống". Cuối cùng đề bài yêu cầu phân tích sự ám ảnh của cái đói qua hình ảnh thiên nhiên và con người trong đoạn trích truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, nhận xét về những đặc sắc nghệ thuật trong ngòi bút hiện thực của tác giả thể hiện qua đoạn trích.

Đề thi môn Văn lớp 12 khiến học sinh cũng phải khen nức nở: Quá hay! - Ảnh 1.

Đề thi môn Văn lớp 12 khiến học sinh cũng phải khen nức nở: Quá hay! - Ảnh 2.

Đề kiểm tra cuối kỳ của học sinh lớp 12 tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: CMH

Đề thi khi được đăng tải lên mạng xã hội ngay lập tức nhận được nhận xét của học sinh là "Quá hay, quá xúc động", "Đề giúp cho chúng ta cách cảm nhận và trân quý những điều nhỏ nhặt xung quanh"... Nhưng cũng có học sinh đưa ra cảnh báo: "Đề hay nhưng thơ của Lưu Quang Vũ thách thức không nhỏ đâu".

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, đại diện Sở GDĐT Vĩnh Long xác nhận, ngày 18/4 vừa qua, tỉnh đã tổ chức kiểm tra cuối học kỳ II, năm học 2021-2022 cho học sinh khối 12.

Nhận xét về đi kiểm tra này, cô Nguyễn Hương Giang, giáo viên môn Ngữ văn, Trường Marie Curie, Hà Nội bày tỏ: "Đây là một đề thi hay, chọn được các ngữ liệu có ý nghĩa sâu sắc, qua đó, truyền tải được các thông điệp nhân văn về cuộc sống. Đề vừa sức với học sinh và phân loại được học sinh. Cấu trúc đề theo form chung của những năm gần đây, quen thuộc với tâm lí học sinh. Điều đó giúp học sinh thuận lợi trong việc hoàn thành bài kiểm tra. 

Về nội dung: Phần Đọc hiểu chọn ngữ liệu hay, xúc động, có sức khơi gợi những tình cảm đẹp của học sinh. Câu 1 yêu cầu học sinh phải tiếp cận đúng trọng tâm ngữ liệu và có sự cảm thụ tứ thơ một cách sâu sắc thì mới đáp ứng được vấn đề đặt ra. Điều này giúp phân hoá được học sinh rõ ràng hơn.

Câu hỏi mang tính gợi mở, hướng học sinh đến những tứ thơ hay. Có nhiều câu thơ hướng đến nội dung câu hỏi để học sinh có thể lựa chọn. Ví như: "Thương áo cũ như là thương ký ức", "Thương mẹ nhiều con càng yêu áo thêm", "Cũ rồi con vẫn quý vẫn thương", "Hãy biết thương đến những manh áo cũ",…

Những tứ thơ ấy không chỉ gợi những kỷ niệm tuổi thơ của nhân vật trữ tình với mẹ mà còn giúp học sinh liên hệ được đến tình cảm của bản thân dành cho người mẹ yêu thương của mình. Điều này đáp ứng được đúng yêu cầu đổi mới trong việc rèn kỹ năng cảm thụ và năng lực ngôn ngữ của học sinh.

Câu 3 đánh giá được mức độ tư duy cao hơn của học sinh. Học sinh không chỉ cần lý giải được thái độ, tình cảm của tác giả mà còn bộc lộ được quan điểm, cách nhìn nhận của mình.

Phần Làm văn, đã đặt ra vấn đề về cách sống rất sâu sắc, giúp các em học sinh có được những nhận thức đẹp về cuộc sống: biết giữ gìn, nâng niu những điều tốt đẹp trong quá khứ; biết trân quý những giá trị của cuộc sống hiện tại. Thông điệp được lan toả từ bài thơ đã gợi ra nội dung nghị luận xã hội luôn có ý nghĩa đối với mọi thời đại, mọi thế hệ. Đó chính là giá trị của tình yêu thương và sự trân trọng "những gì đã cùng ta sống". Từ đó, học sinh sẽ rút ra được những bài học quý gía cho bản thân.

Câu 2 có cách đặt câu hỏi rất hay, sâu sắc, gợi mở để học sinh có thể khám phá và cảm nhận tác phẩm một cách chủ động, sáng tạo. Đề bài đã chọn đoạn trích mở đầu tác phẩm mà ít được đề cập đến trong các đề kiểm tra. Đây là đoạn trích đã thể hiện được bối cảnh của câu chuyện về nạn đói để từ đó hình ảnh thiên nhiên và con người hiện lên đầy "ám ảnh". Và sau sự "ám ảnh" là câu chuyện về tình người, tình đời rất xúc động. Qua đó, lan toả cảm hứng: Trong tận cùng nghịch cảnh, con người vẫn luôn khao khát hướng đến sự sống và hạnh phúc". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem