Để thu hút chủ đầu tư làm nhà ở xã hội cần có giải pháp gì?
Chuyên gia "hiến kế" phương án thu hút chủ đầu tư làm nhà ở xã hội
Thái Nguyễn
Chủ nhật, ngày 06/08/2023 12:33 PM (GMT+7)
Để hoàn thiện Đề án "Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội", nhiều ý kiến đề nghị cần rút gọn các trình tự về lựa chọn chủ đầu tư, đơn giản hóa thủ tục xét duyệt đối tượng được mua nhà.
Theo ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thời gian vừa qua Nghị quyết của Chính phủ điều chỉnh một số cơ chế, chính sách liên quan đến nhà ở xã hội. Tuy nhiên, sau khi có nội dung này, khả năng thu hút một số nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở xã hội có phần giảm sút, hạn chế.
Nguyên nhân bởi vì trước đây Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP có cơ chế khi chủ đầu tư tham gia đầu tư 100% nhà ở xã hội được để dành 20% quỹ đất để làm nhà ở thương mại nhằm bổ trợ cơ chế giá thành cho nhà ở xã hội, hạ giá thành.
Tuy nhiên, tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP của Chính phủ có điều chỉnh lại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP không có quỹ này và chỉ tập trung vào một số ưu đãi, ví dụ phát triển các không gian thương mại, dịch vụ, không đủ điều kiện hấp dẫn. Vì vậy mới có dấu hiệu chững lại, chủ yếu các nhà ở xã hội đã hình thành trước đây thì tiếp tục triển khai.
"Trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần xem xét kỹ vấn đề này. Hiện nay, Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo vẫn đang xem xét. Về kinh nghiệm chúng tôi thấy nội dung chưa cơ bản lắm, đề nghị phải nghiên cứu cơ chế đầu tư rõ nét. Việc phát triển nhà ở thương mại được kèm theo nhà ở xã hội là bình thường, để có cơ cấu các giá trị, giá thành phù hợp", ông Hải đề nghị.
Nhà ở xã hội là mô hình cần phương án phát triển, chưa kể phương án phát triển 1 triệu căn. Tuy nhiên, quy trình, quy định đối với nhà ở xã hội không khác gì nhiều đối với quy trình, quy định nhà ở thương mại khi chúng ta đang nghiên cứu xây dựng nghị định để thiết lập quy trình phát triển nhà ở thương mại.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị, riêng nhà ở xã hội cần phải có quy định, quy trình riêng, rút gọn các trình tự về lựa chọn chủ đầu tư, đặc biệt là lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu. Bởi riêng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất. Do đó, cần linh hoạt thiết lập quy trình ngắn gọn bởi hiện nay quy trình đấu thầu rất tốn thời gian.
Còn theo ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đối với chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện, cần chủ động giải quyết những nhóm vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm có thời hạn giải quyết và có báo cáo theo định kỳ. Trong đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị, riêng đối với nhà ở xã hội cần có cơ chế ưu đãi mạnh, hấp dẫn chủ đầu tư, như các chính sách về quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giao đất…
"Về quy trình đầu tư phải có tính đặc thù, rút ngắn thời gian giải quyết. Hiện tại nếu chúng ta vẫn cứ như các dự án nhà ở thương mại từ 24-36 tháng thì rất khó. Tôi đề nghị rút ngắn xuống dưới 12 tháng. Về tiêu chí người mua nhà ở xã hội và quy trình thủ tục xét duyệt, tôi đề nghị tận dụng ngay các dữ liệu về dân cư mà ngành công an đang quản lý để rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục xét duyệt đối tượng được mua nhà", ông Khôi kiến nghị.
Về vấn đề lãi suất, ông Nguyễn Văn Khôi cho biết hiện các chủ đầu tư đang vay với lãi suất 8,7% và người mua nhà ở xã hội là 8,2% năm là rất cao. Do đó, kiến nghị, chủ đầu tư được vay ở mức dưới mức 6% và người mua nhà là dưới 4,5% năm. Bên cạnh đó, kiến nghị về lợi nhuận định mức các doanh nghiệp cũng nên quy định ở mức trên 10%, thay cho dưới 10% như hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.