Theo đề xuất cải tiến của PGS Bùi Hiền, chữ Việt hiện nay sẽ được "vắn tắt" nhiều, ví như: "Luật giáo dục" phải viết là "luật záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...
Ngay sau khi được đăng tải, thông tin này đã làm không ít chuyên gia về ngôn ngữ bị "sốc". Dư luận tỏ ý không hài lòng và cho rằng cải tiến của PGS Bùi Hiền giống kiểu gàn dở, ngớ ngẩn và... thừa giấy vẽ voi. Điều khá ngạc nhiên là đề xuất cải tiến lại nhận được sự ủng hộ của không ít học sinh lứa tuổi teen.
Ngôn ngữ mà tuổi teen vẫn thường sử dụng. (Ảnh minh hoạ: IT)
Em Nguyễn Thu Hiền - học sinh một trường THPT tại Mỹ Đình (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ, nếu người lớn nhìn cách viết mới rất khó hiểu thì đối với em nó lại không hề phức tạp. "Từ khá lâu rồi, học sinh bọn em cũng đã lưu truyền nhau cách viết, cách nhắn tin giản lược rất nhiều chữ cái, âm tiết, cũng thay đổi một số chữ cái tiếng Việt bằng tiếng Anh như: giáo dục => jao zuc; giờ => jo, hành khách => han khak... cũng vì cách viết này mà các bậc phụ huynh thường kêu trời vì không đọc được. Bọn em gọi là ký hiệu tuổi teen, nhắn tin rất nhanh nhưng chỉ các bạn tuổi teen mới đọc được".
Tương tự, em Trần Huyền My - học sinh lớp 9 tại TP.Hải Dương - cho biết, các bạn tuổi em đều thường xuyên sử dụng chữ viết lược bỏ các âm tiết khó viết như: ngh, nh, kh, gi, ng... mà chuyển sang viết tắt cho các âm tiết tiếng Anh như: J, W vào thay thế: "Có thể PGS Hiền khi nghiên cứu cũng đã tham khảo cách viết của tuổi teen nên em thấy khá gần gũi. Tuy nhiên, nếu chỉ coi như là một cách viết thứ 2 không bắt buộc thì được, còn coi là cách viết thay thế thì sẽ có rất nhiều vấn đề" - My nói.
Trả lời báo chí về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hiền thừa nhận: "Nếu như tự dưng nhìn chữ cải tiến, tôi cũng thấy ngớ ngẩn". Ông Hiền cho biết, tuy đã thực hiện nghiên cứu hơn 20 năm nhưng hiện, công trình chữ viết này của ông vẫn chưa hoàn chỉnh và chưa có sự chuẩn bị để công bố. Chính vì vậy, để dư luận, những người chưa quen, chưa hiểu phải chấp nhận nó thì rất khó.
Tuy nhiên, ông Hiền cũng khẳng định, nếu việc cải tiến chữ tiếng Việt được thực hiện sẽ tiết kiệm được 8% thời gian, sức lực và vật tư. "Nếu một nhà xuất bản 1 năm dùng 100 tấn giấy thì với phương thức cải tiến này, một năm sẽ rút giảm được 8 tấn giấy" - ông Hiền nói.
Nhận xét về cách cải tiến chữ viết gây tranh cãi, TS Vũ Thu Hương - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng, đây là một nghiên cứu khoa học rất hay, nó rất mới mẻ, tuy nhiên, nếu áp dụng, hệ lụy là rất lớn. Nó sẽ gây khó khăn cho việc đọc viết thông dụng của mọi người, khó khăn khi truyền tải thông tin, chi phí tập huấn cho các bộ làm việc với văn bản, với các tài liệu trong ngành giáo dục...
PGS.TS Bùi Hiền.
Ngoài ra, theo TS Hương: "Việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt giờ đã khá phức tạp với mấy bạn người dân tộc thiểu số, người Việt sống ở nước ngoài. Nếu áp dụng nghiên cứu này vào cuộc sống, chắc chắn các bạn ấy còn khó học tiếng hơn".
Chưa đồng tình với cải tiến này nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng, cần bình tĩnh nhìn nhận đây là một đề tài nghiên cứu khoa học, không nên theo trào lưu "ném đá" mà triệt tiêu sự sáng tạo.
"PGS Hiền là một nhà ngôn ngữ học, ông còn là nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ nên có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà ngôn ngữ trong và ngoài nước, nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Đề xuất này ông cũng dành tâm huyết nghiên cứu đến 20 năm. Chúng ta phải thấy rằng đó là một nỗ lực nghiên cứu và một sự mạnh dạn trong việc đề xuất cải tiến. Chúng ta ủng hộ tư duy "tự do học thuật" thì nên cởi mở với các sáng kiến" - một chuyên gia nói.
Chữ Việt qua đề xuất của PGS Bùi Hiền sẽ hoàn toàn "lột xác" .
Ý tưởng cải cách tiếng Việt được PGS.TS Bùi Hiền đưa ra trong bài viết "Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế" in trong cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển (tập 1) dày 2.200 trang, do NXB Dân trí phát hành.
Ở bài viết của mình, PGS.TS Bùi Hiền đưa ra những bất hợp lý của chữ quốc ngữ như: Việc chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu là rất phức tạo và khó nhớ. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
Ông cho rằng, những hiện tượng không thống nhất, không theo nguyên tắc chung sẽ gây khó khăn cho người đọc, người viết. Ông kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình Nhà nước. Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.
Theo đó, sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.