PGS Bùi Hiền hy vọng đề xuất được Cục Bản quyền tác giả công nhận sẽ ngăn chặn những kẻ xuyên tạc vì mục đích xấu.
"Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ" - tác phẩm gây tranh cãi của PGS Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội) được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cấp chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả ngày 29/12/2017.
PGS Bùi Hiền cho biết, đăng ký bản quyền không nhằm ngăn cản người khác sử dụng thành quả nghiên cứu 40 năm của mình, ngược lại ông rất vui nếu công trình được sử dụng vì những mục đích chính đáng.
"Đây là công trình tôi làm ra, tôi nhận thấy có giá trị, do đó việc đăng ký bản quyền là hoàn toàn bình thường trong xã hội có kỷ cương. Mục đích của tôi là ngăn chặn những kẻ lợi dụng, xuyên tạc tác phẩm nhằm kích động chính trị. Hành vi này vi phạm bản quyền một cách thô bạo", ông nói.
PGS Bùi Hiền đã được cấp bản quyền tác giả cho tác phẩm "Bài viết về cải tiến chữ quốc ngữ". Ảnh: Quỳnh Trang
PGS Hiền cũng tiếp tục thử nghiệm nghiên cứu bằng cách chuyển thể toàn bộ "Truyện Kiều" sang hệ thống chữ viết cải tiến, ra mắt tác phẩm ngày 12/1/2018 với một bên là chữ viết cũ và một bên là chữ viết mới để tiện so sánh.
Ông lựa chọn truyện thơ của Nguyễn Du bởi đây là tác phẩm ai cũng biết đến và yêu mến. Trước đó, cuối công trình nghiên cứu của ông trình bày đoạn thơ theo chữ viết mới nhưng vỏn vẹn một trang, chưa đủ để hình dung hết về đề xuất cải tiến hệ thống chữ viết.
"Tôi dành 10 ngày chuyển thể Truyện Kiều để xem có gặp khó khăn gì không, kết quả là không có chỗ nào mắc mớ khi chuyển ra chữ mới. Khi hoàn thành, tôi in ra một số bản gửi cho mọi người, sẵn sàng đón nhận những góp ý để hoàn thiện thêm", ông Hiền chia sẻ.
Một đoạn Truyện Kiều được chuyển sang chữ viết cải tiến của PGS Bùi Hiền.
Cuối năm 2017, PGS Bùi Hiền công bố nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ, gây xôn xao dư luận. So với bảng hiện hành có 33 âm vị cơ bản được biểu đạt bằng 38 chữ cái đơn và tổ hợp 2-3 chữ cái, bảng mới đáp ứng được nguyên tắc mỗi âm vị một chữ cái và ngược lại. Bên cạnh đó các tổ hợp 2-3 phụ âm ghép biểu đạt một âm vị như hiện nay (ch, th, tr, gi, gh, kh, ng, ngh, nh, ph) được loại bỏ.
Bảng chữ cái đọc theo kiểu mới vẫn giữ nguyên trật tự a-b-c và tự dạng của các con chữ hiện nay, nhưng giá trị âm vị của một số chữ cái được hoán đổi. Với cải tiến này, từ Giáo dục sẽ được viết mới thành Záo zụk, tiếng Việt thành tiếq Việt…
Cách viết cải tiến tiếng Việt mà PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất trong cuốn sách vừa xuất bản gây nhiều tranh cãi.
Thùy Linh (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.