Đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, tăng trợ cấp
Đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, tăng trợ cấp nhận được sự ủng hộ
Thùy Anh
Thứ sáu, ngày 19/04/2024 06:45 AM (GMT+7)
Ngoài mong muốn hạ tuổi nhận trợ cấp hưu trí, nhiều người cao tuổi còn mong được tăng trợ cấp để ứng phó với trượt giá và giải quyết các khó khăn trước mắt.
Người cao tuổi ủng hộ, xã hội đồng tình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí
Nghỉ việc sớm theo chế độ hưởng hưu 1 lần, vì thế đến giờ cả 2 vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Nam (75 tuổi) và Lê Thị Ngọ (72 tuổi) ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa đều không có lương hưu.
Tuổi già không có lương hưu, cũng chẳng có trợ cấp nên ông bà vẫn phải trồng ít rau cỏ đi chợ bán kiếm sống qua ngày. "Tuổi già không có lương hưu cảm thấy rất cơ cực dù vẫn phải nương tựa con cái", ông Nam nói.
Khi nghe tới tin Bộ LĐTBXH đang đề xuất hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí, ông Nam bà Thọ cảm thấy rất vui mừng. Ông bà chỉ mong chính sách sớm được thực thi để ông bà có chút tiền hỗ trợ lúc tuổi già.
Đồng tình và ủng hộ đề xuất này, nhưng bản thân ông Nguyễn Văn Hòa (Hà Nội) lại cho rằng ngoài việc hạ độ tuổi hưởng hưu trí, Nhà nước cũng nên tính toán tăng trợ cấp hưu trí vì khoản tiền trợ cấp người cao tuổi hiện hành khá thấp (360 nghìn đồng/tháng).
“Nếu mức trợ cấp chỉ 360 nghìn đồng/tháng thì e rằng không đủ để người già đáp ứng nhu cầu tối thiểu về chi tiêu cho thực phẩm. Theo tôi, nếu hạ độ tuổi hưởng trợ cấp thì cũng nên tăng mức trợ cấp lên gấp đôi mức hưởng hiện nay (khoảng 700 nghìn đồng/tháng)", ông Hòa nói.
Mặc dù mong muốn vậy, nhưng ông Hòa cũng cho rằng việc tăng tiền trợ cấp hay không còn tùy thuộc vào khả năng cân đối tài chính của nhà nước. Vì thế, số tiền trợ cấp dù nhiều, dù ít thì đó cũng là khoản tiền hết sức thiết thực với người già không có lương hưu.
Dù mới là dự thảo Luật, song những chính sách này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người cao tuổi. Đa số đều đồng tình, mong đợi chính sách sớm được ban hành và đi vào thực tiễn.
Cần thiết phải hạ tuổi trợ cấp hưu trí, bố trí ngân sách nhà nước và địa phương hỗ trợ
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất đã quy định hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi trở lên, mở rộng phúc lợi an sinh cho nhóm người cao tuổi.
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Đây là số người từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam. Trong đó, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội chỉ khoảng hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Như vậy, tại thời điểm thống kê vẫn còn khoảng 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống BHXH.
Trong phiên họp mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định quyết tâm điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ. Đồng thời người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
Báo cáo tiếp thu, giải trình, khẳng định việc hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là cần thiết để thể chế hóa quan điểm được nêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW bao gồm: “Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”; đến năm 2030 phấn đấu đạt “khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội”; và “điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách”.
Về ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội dễ gây tâm lý cho người lao động chủ quan cứ rút BHXH một lần vẫn sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá vấn đề này về căn bản phải được khắc phục bằng nhiều giải pháp tổng thể, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế rút BHXH một lần. Đồng thời, dựa trên thực tế khoảng cách giữa mức lương hưu do đóng góp, tham gia BHXH, với mức trợ cấp hưu trí xã hội cũng là để người lao động phải cân nhắc việc lựa chọn giữa hai chế độ này.
Dự thảo Luật cũng nêu rõ, mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Hiện nay, mức trợ cấp xã hội đang ở mức 360.000 đồng/tháng, chỉ đạt 24% so với chuẩn nghèo khu vực nông thôn của giai đoạn 2021-2025, và 20% so với lương cơ sở (1,8 triệu đồng) từ 1/7/2023.
Hiện nay, ngân sách Nhà nước chưa có đủ nguồn lực để quy định mức hỗ trợ này theo mức chuẩn nghèo, hoặc mức sống tối thiểu trong dự thảo Luật. Vì thế, dự thảo Luật đã quy định việc định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội, báo cáo Quốc hội khi trình Kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm.
Hiện dự thảo Luật đang quy định theo hướng, nguồn chi trả trợ cấp hưu trí xã hội cho nhóm đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách Nhà nước. Nguồn chi trả trợ cấp hàng tháng cho nhóm đã đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH, và chưa đủ tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì do Quỹ BHXH bảo đảm, từ phần tiền do người lao động đã đóng góp vào Quỹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.