Đề xuất không tử hình người chưa thành niên phạm tội có làm giảm tội phạm?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 08/06/2024 18:12 PM (GMT+7)
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình và giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên. PV Dân Việt ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn về này.
Bình luận 0

Đề xuất không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình người chưa thành niên

Quốc hội đang thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Theo đó, dự thảo luật gồm 173 điều được bố cục thành 5 phần, 11 chương.

Dự thảo luật cũng quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự; Xây dựng chế định xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt; Xây dựng thủ tục tố tụng thân thiện…

Đề xuất không tử hình người chưa thành niên phạm tội có làm giảm tội phạm?- Ảnh 1.

Đối tượng trẻ chưa thành niên phạm tội ngày càng tăng. Ảnh: ANTĐ

Đáng chú ý, về hình phạt (Chương VII - Phần thứ ba), dự thảo luật quy định: Giữ nguyên hệ thống hình phạt hiện hành. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên.

Giảm mức hình phạt tù đối với người chưa thành niên theo từng trường hợp cụ thể. Bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo. Giảm thời gian thử thách khi được hưởng án treo xuống không quá 3 năm.

Mở rộng đối tượng người chưa thành niên có thể bị phạt tiền và mức tiền phạt không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.

Không tử hình người chưa thành niên là nhân văn

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hiện nay không có quốc gia nào quy định hình phạt tù chung thân và tử hình với người chưa thành niên.

Luật pháp quốc tế đều có những quy định rất cụ thể và hình phạt với người chưa thành niên, Việt Nam đã gia nhập vào các điều ước quốc tế, ký kết nhiều hiệp ước, hiệp định có liên quan đến lĩnh vực tư pháp.

Theo đó Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định không áp dụng tù chung thân và tử hình với người chưa thành niên là phù hợp với luật pháp quốc tế và phù hợp với pháp luật Việt Nam từ trước đến nay.

Bộ luật hình sự 1985, 1999 và đến nay là Bộ luật hình sự 2015 điều quy định không áp dụng hình phạt tù chung thân, không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi.

Nội dung này tiếp tục được ghi nhận trong dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên là phù hợp với chính sách nhân đạo của Việt Nam với người chưa thành niên và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo ông Cường, người chưa thành niên theo pháp luật Việt Nam được xác định là người chưa đủ 18 tuổi, được coi là người chưa trưởng thành, chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, đặc biệt là chưa có đầy đủ kỹ năng sống, còn trong quá trình quản lý giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.

Để người chưa thành niên phạm tội là có một phần lỗi của gia đình, của nhà trường và xã hội. Người chưa thành niên phạm tội thường là do bị lôi kéo, do bồng bột, mất kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ chưa chín chắn và trong đó có phần trách nhiệm của người lớn.

Vì thế, để đảm bảo an toàn cho xã hội, vấn đề không phải là hình phạt hà khắc mà phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa. Hình phạt chỉ là biện pháp cuối cùng khi các giải pháp phòng ngừa không đạt hiệu quả.

Xã hội càng văn minh, việc quản lý xã hội bằng pháp luật sẽ chặt chẽ hơn, ý thức tự giác chấp hành của con người sẽ cao hơn, pháp luật sẽ trở thành thói quen, thành văn hóa để mọi người đều có ý thức tự nguyện chấp hành.

Bởi vậy, ở Việt Nam không áp dụng hình phạt tù chung thân, tử hình đối với người dưới 18 tuổi là hợp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế. Tiến tới có thể sẽ bỏ hình phạt tử hình đối với mọi tội phạm, hạn chế áp dụng hình phạt tù chung thân.

"Quy định về hình phạt trong luật hình sự và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự sẽ cho thấy mức độ phát triển văn minh của xã hội, theo đó hệ thống hình phạt càng hà khắc, người bị phạt càng nhiều, chứng tỏ việc quản lý xã hội chưa tốt. Cho nên không phải phạt tù thật nhiều là tội phạm sẽ giảm" – ông Cường nêu quan điểm.

Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Nga cho rằng, độ tuổi vi phạm pháp luật đang trẻ hóa, rất nhiều vụ án nghiêm trọng do lứa tuổi này gây ra. Pháp luật cần có những mức án nghiêm khắc mới đủ sức răn đe và phòng ngừa.

Trong quá trình thụ án đều có chính sách khoan hồng, giảm án, tha tù trước thời hạn cho những trường hợp cải tạo tốt rồi cho nên việc giảm án ở đây có lẽ không phù hợp trong cuộc sống hiện tại.

"Với tình trạng trẻ hóa tội phạm như hiện nay, theo tôi không những không giảm mức phạt mà còn phải tăng lên, có như vậy mới đủ sức nặng để răn đe. Nếu giảm mức hình phạt xuống các bạn trẻ lại càng thêm manh động vì hiện nay đối tượng này được tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, càng phạt nhẹ lại càng hung hăng hơn" – bạn đọc Lê Bình nói.

Trong khi đó, bạn đọc Phan Thúy lại đồng ý với đề xuất của dự thảo luật, bởi dù tuổi trung bình phạm tội của Việt Nam ngày càng trẻ hóa, thậm chí có những trẻ chưa đủ 18 tuổi đã phạm những tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp giật. Nhưng suy cho cùng các em vẫn còn nhỏ chưa suy nghĩ được hậu quả của việc mình làm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem