Đề xuất mở rộng hình thức đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm

Thứ năm, ngày 12/12/2019 18:22 PM (GMT+7)
Bộ Công an đề nghị mở rộng hình thức đặt tiền bảo lãnh phương tiện và cho phép tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bãi giữ phương tiện vi phạm.
Bình luận 0

Chiều 12/12, tại phiên giải trình về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính của Ủy ban Pháp luật, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã kiến nghị hàng loạt giải pháp, trước hết là sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để người vi phạm không bị tạm giữ phương tiện, theo khoản 10 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

"Cần hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục ra quyết định xử lý trong trường hợp người vi phạm, chủ sở hữu sau khi đặt tiền bảo lãnh không đến giải quyết", ông Ngọc nói.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề nghị nghiên cứu quy định cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện được đầu tư xây dựng địa điểm tạm giữ phương tiện, có thu phí theo quy định của Bộ Tài chính để huy động nguồn lực xã hội và giảm tải áp lựa về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho Nhà nước.

img

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc báo cáo tại phiên giải trình của Uỷ ban Pháp luật chiều 12/12. Ảnh: Hiếu Duy

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, từ năm 2013 đến tháng 9/2019, công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ gần 4,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ. Hiện có gần 137.000 phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ nhưng vì nhiều lý do đến nay chưa xử lý được.

Ông Ngọc cho hay, các hành vi khiến bị tạm giữ phương tiện gồm: không có giấy đăng ký xe, vi phạm nồng độ cồn, chưa đủ độ tuổi quy định... Đây là các hành vi dễ vi phạm nhất nên số xe bị tạm giữ rất lớn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại các nơi tạm giữ phương tiện của công an chưa đáp ứng được yêu cầu, số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ ngày càng tăng dẫn đến tình trạng quá tải và gây hỏng hóc, cũ nát. Cụ thể, trong gần 137.000 phương tiện tồn đọng có khoảng 37.000 phương tiện đã hư hỏng (chiếm 27%).

Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cho thấy, trong năm 2018 Công an quận 1, TP.HCM xử lý hơn 1.000 phương tiện bị tịch thu thì chỉ có 23 xe được đưa vào sử dụng, còn lại đều cắt bán phế liệu.

Bên cạnh đó, do có sự thay đổi về thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý phương tiện do lực lượng công an tịch thu nên một số nơi còn chậm. Nhiều phương tiện có quyết định tịch thu từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa xử lý (bán đấu giá hay chuyển giao), bị tồn đọng trong các kho, bãi tạm giữ.

Theo khoản 10, Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính, phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ nhưng nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi hoặc có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hoàng Thùy (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem