Đề xuất siết chặt nạo phá thai

Thứ sáu, ngày 20/09/2013 09:48 AM (GMT+7)
Đây là nội dung mới trong dự thảo Luật Dân số đang được Tổng cục Dân số-KHHGĐ (Bộ Y tế) xây dựng, nhằm giải quyết những vấn đề dân số hiện đại.
Bình luận 0
GS-TS Nguyễn Đình Cử (Viện Dân số và Các vấn đề xã hội) nhận định, hiện nay việc nạo phá thai tràn lan kéo theo nhiều hậu quả xã hội nghiêm trọng như nguy cơ mất máu, thủng tử cung, gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục, biến chứng gây vô sinh, tổn thương tinh thần… Do nạo phá thai tràn lan và dễ dãi nên không ít phụ nữ và nam giới (thậm chí cả vị thành niên) coi nạo phá thai như một phương pháp “kế hoạch hóa gia đình”, không chú trọng quan hệ tình dục an toàn, cho rằng nếu lỡ có thai thì chỉ “nhói một cái” là xong.

Trong khi đó, luật pháp hiện hành trao toàn bộ quyền phá thai cho phụ nữ. Điều 7 Pháp lệnh Dân số cũng nghiêm cấm “Cản trở, cưỡng bức việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình”. Người phụ nữ đi phá thai cũng không cần phải trình giấy tờ tùy thân, không cần có cam kết của chồng (người nhà). Các cơ sở y tế tư nhân cũng không được kiểm tra thường xuyên về việc có được phép nạo phá thai hay không. “Rõ ràng, những quy định lỏng lẻo, sự “bùng nổ” dịch vụ phá thai, sự dễ dàng của thủ tục phá thai khiến cho việc phá thai tại Việt Nam vẫn rất phổ biến” – GS Cử khẳng định.

Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, trong nhiều năm nay, con số các ca nạo phá thai chính thức của Việt Nam từ 1,2-1,6 triệu ca/năm. Trong đó, có tới 300.000-400.000 các ca nạo phá thai là của vị thành niên, để lại hậu quả khó lường.

Vì thế nhiều chuyên gia tán thành điều khoản siết chặt nạo phá thai theo hướng: Luật Dân số nên quy định quyền nạo phá thai không chỉ được giao cho phụ nữ mà cần có thêm các điều kiện như trình giấy tờ tùy thân, có ký cam kết tự nguyện phá thai của chồng (nếu có chồng) hoặc của bố mẹ, người giám hộ, có xác nhận cận lâm sàng về chẩn đoán có thai mới được làm thủ thuật phá thai, quy định những trường hợp được phép phá thai (bị cưỡng hiếp, thai nhi dị tật… ).

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng xây dựng nhiều điều liên quan đến khám sức khỏe tiền hôn nhân, với những người có nguy cơ cao sinh con dị tật thì kiểm soát sinh đẻ. Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho rằng, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân nên khuyến khích chứ không nên là bắt buộc. Do số tiền khám sức khỏe tổng thể khá lớn nên Tổng cục Dân số cũng dự kiến đề xuất Nhà nước hỗ trợ khám sức khỏe tiền hôn nhân đối với một số đối tượng khó khăn như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, những người thuộc diện chính sách…

Với các đối tượng có nguy cơ cao sinh con dị tật thì Nhà nước nên có sự trao đổi: “Nếu họ không sinh con thì Nhà nước phải đảm bảo an sinh xã hội cho họ sau này”. Đây là sự trao đổi hoàn toàn có lợi cho cả hai bên, người bị bệnh hiểm nghèo tránh được nguy cơ sinh con bệnh tật, còn Nhà nước cũng đỡ gánh nặng chăm sóc người bệnh, thậm chí cho nhiều thế hệ sau.
Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem