Đề xuất "siết" chặt nhà ở riêng lẻ được phép xây dựng thành chung cư mini
Đề xuất "siết" chặt nhà ở riêng lẻ được phép xây dựng thành chung cư mini
Quốc Hải
Thứ tư, ngày 04/10/2023 17:59 PM (GMT+7)
Theo HoREA, chung cư mini là sản phẩm nhà ở rất cần thiết cho xã hội hiện nay và trong nhiều thập niên sau này. Do đó, đề nghị Quốc hội và Bộ Xây dựng bổ sung một số quy định pháp luật liên quan để quản lý chặt chẽ sản phẩm nhà ở này.
Tiếp tục góp ý một số điều của Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội và Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung một số quy định pháp luật liên quan để quản lý chặt chẽ sản phẩm "chung cư mini".
Nên quản, không nên cấm chung cư mini
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ riêng tại TP.HCM, thống kê sơ bộ hiện nay có 42.256 cơ sở là nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC.
Trong số này, có 4.490 cơ sở do công an quản lý, trong đó có 103 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ và 37.766 cơ sở do UBND cấp xã quản lý.
Trước đó, vào năm 2018, Sở Xây dựng TP.HCM đã thống kê toàn thành phố có khoảng 60.470 khu nhà trọ hoặc nhà ngăn phòng cho thuê với tổng số khoảng 560.219 phòng trọ, bao gồm 38.800 khu nhà trọ (tập trung) với 357.246 phòng trọ và 25.670 nhà (căn hộ) ngăn phòng cho thuê với 202.973 phòng trọ.
Các khu "nhà trọ tập trung, chung cư mini" đều là những cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ được quản lý chặt chẽ về PCCC theo quy định của pháp luật về PCCC.
Mở rộng ra, trên cả nước có hàng ngàn "chung cư mini" và nhu cầu thuê, mua căn hộ chung cư mini trong xã hội rất lớn buộc chúng ta phải rất tỉnh táo, sáng suốt lựa chọn giải pháp nên quản, không nên cấm. Tương tự như các nước trên thế giới đều cho phép, nhưng phải quản lý thật chặt chẽ loại "chung cư mini" này để bảo đảm an toàn PCCC và phát triển lành mạnh.
Theo ông Châu, hiện nay là thời điểm rất thuận lợi để xây dựng các quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý loại "chung cư mini" này. Bởi, Quốc hội Khóa 15 tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-11/2023 dự kiến xem xét, thông qua nhiều luật, trong đó có Dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và một số luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất theo chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW.
Vì vậy, HoREA đề nghị bổ sung quy định thật chặt chẽ đối với loại nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình được phép xây dựng thành "chung cư mini". Đồng thời, đề nghị sửa đổi một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật PCCC với nhận thức là rất cần thiết phải luật hóa loại nhà ở này để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, để "chung cư mini" phát triển an toàn, lành mạnh.
Nên quản thế nào?
Theo ông Lê Hoàng Châu, cho đến khi thực hiện được mục tiêu đặt ra là đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì lúc đó nhu cầu "chung cư mini" vẫn tồn tại. Ngay tại các nước công nghiệp phát triển hiện nay thì cũng vẫn có loại nhà này.
Do vậy, HoREA nhận thấy nhiệm vụ cấp bách là cần phải xây dựng khuôn khổ pháp luật đồng bộ, thống nhất để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với loại "chung cư mini" để phát triển an toàn, lành mạnh.
Do đó, Chủ tịch HoREA cho rằng, cần bổ sung quy định về đầu tư xây dựng "chung cư mini" phải lập dự án; phải chấp hành và tuân thủ các quy định pháp luật về thẩm duyệt, nghiệm thu công trình, bao gồm công trình PCCC; bổ sung quy định về kinh doanh cho thuê hoặc bán căn hộ "chung cư mini" thì phải đăng ký kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật.
Bổ sung quy định về quản lý vận hành nhà "chung cư mini" tương tự như quản lý vận hành nhà "chung cư".
Đặc biệt, Bộ Xây dựng bổ sung "quy chuẩn kỹ thuật về chung cư mini" vào "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư" thì sẽ quản lý chặt chẽ và phát triển loại "chung cư mini" an toàn, lành mạnh.
Theo HoREA, bất cập lớn nhất là hiện nay chưa có đầy đủ các quy định pháp luật về chung cư mini nên rất cần thiết quy định trong Luật Nhà ở. Cụ thể là sửa đổi, bổ sung Điều 57 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 2 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Ngoài ra, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, HoREA cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 3 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy 2013) thay thế từ "khu chung cư" thành "nhà chung cư".
"Hiện nay, Luật PCCC đã quy định đối tượng PCCC là "khu dân cư", mà khu chung cư cũng là "khu dân cư" có đặc điểm là "khu dân cư cao tầng", trong lúc rất cần thiết quy định "nhà chung cư" là cơ sở thuộc diện quản lý PCCC theo Luật PCCC cần được đặc biệt quan tâm quản lý", ông Châu nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.