'Đề xuất sửa Luật đất đai để gỡ nút thắt về tích tụ ruộng đất'

Thứ năm, ngày 02/05/2019 09:07 AM (GMT+7)
Hội thảo chuyên đề Nông nghiệp thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 bắt đầu từ 8h30 sáng nay 2.5 với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp.
Bình luận 0

10h05:

"Không nước nào đạt được sản lượng 300.000 tấn tôm sú năm 2018 như Việt Nam"

Ông Trần Đình Luân - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, quyết định 79 của Thủ tướng nêu rõ đến 2025 kỳ vọng giá trị xuất khẩu đạt 10 tỷ USD, trong đó 8,4 tỷ USD là tôm thẻ và tôm sú. Năm 2018 ngành tôm đạt sản lượng 760.000 tấn, trong đó có gần 300.000 tấn tôm sú - không nước nào đạt được, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD. 

Đối với ngành thuỷ sản, đồng bằng sông Cửu Long, ngành tôm có nhiều lợi thế nhưng thách thức lớn về biến đổi khí hậu. Có thể thêm về diện tích nhưng thất thường về thời tiết, không theo quy luật đòi hỏi đầu tư, khoa học kỹ thuật, trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu.

img

Ông Trần Đình Luân, Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuỷ sản.

Ngành sản xuất tôm nhỏ lẻ manh mún nhiều, chiếm 70-80% nhỏ lẻ, diện tích doanh nghiệp 20% trong tổng số 720.000 ha tôm hiện nay. Sản xuất nhỏ lẻ ngành tôm dẫn đến nhiều khó khăn trong hội nhập, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn thị trường thế giới.

Vừa qua ngành thực hiện tái cơ cấu, thực hiện liên kết HTX, phối hợp với nhiều tổ chức. Qua theo dõi ba tỉnh Ca Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, có 74 chuỗi liên kết (không hoàn toàn khép kín, có thể đầu vào, đầu ra) thì có lợi nhuận tăng, chi phí đầu tư giảm 10-30%, giá bán ra ổn định, thiệt hại ít nhưng để nhân rộng thì vẫn còn hạn chế. 

"Với bối cảnh sản xuất nhỏ lẻ liên kết kém, khó khăn nguồn tôm bố mẹ, cơ sở hạ tầng, thiệt hại nên dẫn đến giá thành sản xuất cao. Các doanh nghiệp đang kêu là chi phí sản xuất cao dẫn đến sức cạnh tranh hạn chế", ông Luân nói.

Theo ông, việc áp dụng tiêu chuẩn đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ gặp khó khăn. Nhu cầu vốn để thay đổi công nghệ vẫn còn tiếp cận hạn chế. Chỗ khác vay 60% làm được nhưng ngành tôm không được vì vay đầu tư không tới tầm nên sản xuất không tốt. Phải đầu tư để áp dụng khoa học công nghệ mới thành công.

Chuyện liên kết ngành là tất yếu, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà kết luận hội nghị vừa qua Bộ trưởng vừa nói tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ để gắn chuỗi, doanh nghiệp. Mong rằng thời gian tới, ngành tôm mong muốn thử nghiệm chuỗi hoàn chỉnh từ vật tư đầu vào, người nghiên cứu, doanh nghiệp, ngân hàng. Phải tăng cường đầu tư, làm sao để giảm đầu vào, tăng giá bán đầu ra, cam kết chất lượng, hạn chế rủi ro. Ngành tôm cũng muốn có cơ chế bảo hiểm gắn vào chuỗi liên kết để tăng thương hiệu và khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam.

9h50: 

"Tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng với chi phí thấp"

Ông Lê Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ về chính sách của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông cho hay, Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trương tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng với chi phí thấp, hướng hỗ trợ trọng tâm gồm: Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị.

img

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

"Chúng tôi đã quán triệt xuống các địa phương xây dựng kế hoạch hành động để hỗ trợ doanh nghiệp trong liên kết ngành, chuỗi giá trị", đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư nói.

Ông Hùng cũng nêu một số chính sách khác để thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp phát triển như, chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài; nghiên cứu chính sách để các tập đoàn tư nhân lớn đóng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ chuỗi giá trị.

9h40:

"Lập ngân hàng lưu động xuống tận thôn, xã giải ngân vốn cho nông dân"

Phát biểu về cho vay nông nghiệp, nông thôn, ông Lê Xuân Trung - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) nói, vừa qua, ngân hàng đã sử dụng 70% vốn với trên 700.000 tỷ đồng vào lĩnh vực này. 

Ngân hàng nông nghiệp cũng tham gia chuỗi từ đầu, như thí điểm cho vay với nhà máy mía đường Lam Sơn, cánh đồng mẫu lớn ở Cần Thơ, chăn nuôi ở Bắc Ninh...

Tuy nhiên, ông Trung đánh giá chuỗi liên kết vẫn còn "lỏng lẻo"; năng lực tài chính của khách hàng yếu, hiện tượng vi phạm hợp đồng của người dân còn nhiều, thị trường thiếu ổn định, mất cân đối cung cầu... gây khó khăn cho ngân hàng.

img

Ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank).

"Từ năm 2017, chúng tôi xây dựng ngân hàng lưu động, nhập xe có internet, cử một tổ xuống tận nông trường, thôn, xã để người dân không cần đi lên huyện vay vốn", ông Trung cho hay.

Lãnh đạo Agribank đề nghị thời gian tới "phải có bảo hiểm giá, bảo hiểm rủi ro cho người tham gia chuỗi liên kết, tránh thiệt hại cho người dân, tránh tình trạng vùng quy mô nhưng không có nguyên liệu".

Ông cũng cho rằng cần tăng cường vai trò của UBND các tỉnh, thành trong phát triển chuỗi, giám sát và hỗ trợ người dân tham gia chuỗi chặt chẽ hơn. "Hiện nay dư địa để đầu tư tín dụng nông nghiệp nông thôn còn nhiều, chúng tôi đề nghị bố trí nguồn vốn nhàn rỗi để tập trung đầu tư cho doanh nghiệp và người dân hoạt động trong lĩnh vực này, có thể thông qua đấu thầu", Phó tổng giám đốc Agribank nói.

9h25: 

Đề xuất đào tạo "công nhân nông nghiệp"

Ông Nguyễn Ngọc Dân, Chủ tịch công ty TNHH nông nghiệp United nêu thực trạng, có những nơi nông dân trồng nông sản để bán và để ăn trên các diện tích hoàn toàn khác nhau; hậu quả là theo thời gian nông dân không có thị trường tiêu thụ. "Hiện cuộc sống cao hơn, một bộ phận người dân chấp nhận mua trái cây nhập khẩu, trong khi đó ở nhiều nơi người nông dân vẫn trồng bằng phân hoá học, sản phẩm xuất khẩu bị trả lại. Như vậy là không ổn", ông Dân nói. 

img

Ông Nguyễn Ngọc Dân, Chủ tịch công ty TNHH nông nghiệp United.

Ông cũng nêu thực tế một số doanh nghiệp nâng giá cao nông sản để khuyến khích người dân trồng trọt, nhưng lại hạ giá khi nông dân được mùa. Đồng thời, cũng có chuyện nơi nào mua giá cao thì người dân sẵn sàng bán, gây khó cho doanh nghiệp đã đặt hàng trước.

"Tôi đề xuất đào tạo công nhân nông nghiệp vì thực tế có những kỹ sư nông nghiệp thiếu lăn lộn. Chúng ta có thể mở các lớp trung cấp nông nghiệp, chính quyền hỗ trợ người dân đi học chuyên về một loại cây, được cấp bằng lý thuyết, trực tiếp xuống đồng ruộng để thực hành, nếu đạt thì cấp bằng", ông Dân đề xuất. 

Về chuỗi liên kết, ông cho rằng cần có yêu cầu cụ thể, gồm những thành phần nào, cụ thể hoá thành viên và cơ chế, quyền lợi kèm theo, "ví dụ khi thành chuỗi, phân bón phải được kiểm soát, có bộ phận xác định chất lượng phân bón để đảm bảo chất lượng sản phẩm".

9h10:

Sau phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hội thảo đi vào phần thảo luận với sự tham gia sôi nổi của các diễn giả. Trả lời câu hỏi về vai trò của nông dân trong chuỗi liên kết, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn nói, tính liên kết của các chủ thể trong thời gian vừa qua có bước tiến triển, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại trong cơ chế thị trường cạnh tranh; chưa khai thác hết tiềm năng trong liên kết để khai thác hết tiềm năng.

img

Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn.

Theo ông, hiện 11-14% sản lượng nông nghiệp thông qua liên kết là quá nhỏ, trong chuỗi liên kết quan trọng nhất là thực hiện theo quy trình an toàn như Vietgap còn khá thấp (3-5%). Như vậy, tiềm năng còn rất lớn với hàng chục triệu ha nông nghiệp Việt Nam, trong thời gian tới Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình liên kết trong nông nghiệp.

"Trong chuỗi liên kết, vai trò của người sản xuất rất quan trọng, đặc biệt là sản xuất theo quy chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường, người sản xuất mà không nhận thức được điều này thì sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, năng lực của hộ nông dân với quy mô quá nhỏ thường là liên kết không thành công. Nâng cao nhận thức và tích tụ quy mô để giá trị tăng lên là hướng phát triển tất yếu của nền nông nghiệp nước ta", ông nói.

8h45:

Nông sản Việt Nam có mặt ở 185 quốc gia, vùng lãnh thổ

Thứ trưởng Nông nghiệp Lê Quốc doanh cho biết, Việt Nam có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Trong 30 năm đổi mới và nhất là từ khi triển khai thực hiện và thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhiều chương trình, đề án và cơ chế chính sách được ban hành, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

img

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa, hướng tới phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất và chất lượng, phát triển sản phẩm có lợi thế; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. 

Trong 10 năm (2008 - 2017) tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,66%/năm, năm 2018 đạt khoảng 3,76%; quy mô GDP năm 2017 gấp 1,25 lần năm 2008. Thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu chuyển mạnh sang chính ngạch, nông sản Việt Nam có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; năm 2018 đạt mức cao kỷ lục 40,02 tỷ USD, tăng 23,55 tỷ USD so với năm 2008; đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, tăng bình quân 9,24%/năm. Trong đó, 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên, với 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.

8h35:

Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương nói diễn đàn lần này có nhiều chuyên đề "rất hấp dẫn" về du lịch, kinh tế số..., tuy nhiên nhiều đại biểu vẫn đến dự diễn đàn nông nghiệp cho thấy sự quan tâm sâu sắc về chủ đề này. "Tôi thấy anh Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có mặt ở đây, điều này phần nào cho thấy dòng máu nông nghiệp trong anh vẫn sôi sục", ông Phát nói.

Theo ông, phiên hiến kế về nông nghiệp là một phần của diễn đàn kinh tế tư nhân mà Ban cán sự đảng Chính phủ cùng Ban kinh tế Trung ương đồng tổ chức nhằm đánh giá kết quả 2 năm thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.

Cụ thể, theo chủ trương được thông qua tại nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Đảng đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

img

Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. 

"Tôi nhớ năm 2003, một vị lãnh đạo cấp khá cao thậm chí không dám đến thăm doanh nghiệp tư nhân vì sợ mang tiếng chệch hướng. Nhưng hôm nay chúng ta ở đây cùng nhau bàn thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp", ông Cao Đức Phát nói.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho hay, thời gian qua đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nay nhìn lại thì các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực này "còn rất mỏng"; trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Việt Nam hiện có 10 triệu hộ gia đình nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. "Ở Mỹ, một hộ có 500.000 ha chỉ 2 vợ chồng làm. Còn ở quê tôi Thái Bình, chỉ có khoảng 2.000 - 3.000 m2 cho một hộ gia đình. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh có khả năng cạnh tranh cao, giai đoạn mới ko chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua, mà cần có vai trò hạt nhân trong phát triển nông nghiệp là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân", ông Cao Đức Phát nói.

8h31: 

Hội thảo bắt đầu lúc 8h30 với sự chủ trì của ông Cao Đức Phát - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Quốc Doanh; Phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh; Cục phó Xuất nhập khẩu Bộ Công thương Trần Quốc Toản.

Ông Nguyễn Ngọc Hai - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Lê Văn Sử - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và hàng trăm chuyên gia trong nước, quốc tế cùng tham dự hội thảo.

img

Phiên hiến kế về nông nghiệp thu hút đông đảo quan chức và chuyên gia. 

8h30: 

Phiên hiến kế về nông nghiệp

Hội thảo chuyên đề Nông nghiệp thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra sáng nay 2/5 tại Hà Nội.

Tại đây, hàng trăm chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp tư nhân sẽ cùng thảo luận để đưa ra giải pháp tăng cường tính liên kết của các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt chuỗi sản xuất, giải pháp thực hiện số hóa và hình thành dữ liệu lớn với chuỗi nông, lâm, thủy sản.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh nông nghiệp là ngành cung cấp những sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu nhất của người dân, cũng là một trong những ngành được quan tâm hàng đầu, dù tỷ trọng đóng góp trong GDP ngày càng giảm từ gần 40% những năm 1990 về dưới 15% tính đến hết 2018.

img

Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát (bìa trái) cùng các đại biểu tại Hội thảo. Ảnh: Gia Chính

Trong số những từ khóa nóng của ngành nông nghiệp thời gian qua có thể kể đến "giải cứu nông sản", "thực phẩm bẩn", "dư lượng kháng sinh", "dịch tả lợn". Trong bối cảnh đó, làm thế nào để xây dựng nền nông nghiệp bền vững, đưa nông, lâm, thủy sản Việt Nam hội nhập quốc tế là câu hỏi nhiều người nêu lên và hội thảo sáng nay được kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều hiến kế quan trọng cho ngành nông nghiệp. 

Những hiến kế từ sự kiện sẽ được trình lên phiên toàn thể của Diễn đàn vào chiều 2.5 với sự tham dự của Thủ tướng cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và 2.500 doanh nghiệp tư nhân.

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức. Hội thảo chuyên đề Nông nghiệp sáng 2.5 có sự đồng hành của Agribank, Tập đoàn TH.

Trước đó nhiều giải pháp đã được đưa ra tại Diễn đàn chuyên đề Nông nghiệp "Giải pháp phát triển thương mại cho nông sản Việt" diễn ra hồi tháng 6.2018, với công nghệ là một trong những lời giải phù hợp nhất. 

PV (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem