Đề xuất thời gian đóng BHXH tối thiểu 10 năm hưởng hưu trí: Người lao động có lợi gì?

Hồng Hương Thứ sáu, ngày 23/04/2021 14:32 PM (GMT+7)
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đề xuất giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Theo đề xuất này, sẽ có lợi gì cho người lao động?
Bình luận 0

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.

img

Nhiều ý kiến cho rằng 20 năm đóng BHXH là thời gian quá dài, khiến nhiều người nản phải "bỏ cuộc"

Hiện, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng hàng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng theo quy định.

Theo lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, quy định này "quá chặt chẽ", 20 năm quá dài khiến nhiều lao động không thể tích lũy số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Cùng với tác động kinh tế, nhiều người nản lòng đã rời bỏ hệ thống BHXH.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, số lao động nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm, giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%. Riêng trong ba tháng đầu năm 2021, số lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng nhanh, với 226.503 người, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Nói về quy định trên, một chuyên gia về BHXH cho rằng với chính sách BHXH hiện nay, tính chất chia sẻ rủi ro chỉ thể hiện rõ trong các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chính sách hưu trí được thiết kế còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng nhưng thiếu chú ý đến nguyên tắc chia sẻ giữa người có mức lương cao và mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm lao động. 

Ngoài ra, quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn...

Bằng chứng là năm 2020, có 1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng cũng có 880.000 người nhận BHXH một lần, tức sau này không có lương hưu. Vì vậy cần sửa Luật BHXH để có thêm nhiều người được hưởng lương hưu.

Tương tự, ông Mai Đức Chính - nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết với số lượng chỉ khoảng 1/3 lao động tham gia BHXH; số còn lại thuộc khu vực phi chính thức, lao động tự do chưa tham gia BHXH có thể xem là một mối lo.

Cụ thể, số người không tham gia BHXH khi họ về già không có lương hưu sẽ là gánh nặng cho an sinh xã hội. Do đó, điều cần hướng tới là làm sao để người lao động tham gia BHXH có thể duy trì thời gian đóng BHXH để về già có sổ hưu và không hưởng trợ cấp BHXH một lần.

Để làm được điều đó, một mặt phải tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của lương hưu, không chỉ ở khoản lương hằng tháng mà còn là bảo hiểm y tế khi họ về già. Vì thế, quy định để người lao động có thêm cơ hội có lương hưu bằng cách giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu, thay vì phải đóng tối thiểu 20 năm thì có thể giảm xuống 15 năm, 10 năm như nhiều nước đang làm là điều hợp lý và khuyến khích người lao động tham gia.

"Đây là điều hoàn toàn hợp lý, giúp người lao động có thêm động lực tham gia BHXH đủ số năm để hưởng lương hưu. 20 năm đóng BHXH như quy định hiện nay quá dài khiến người lao động có tâm lý rằng họ không thể nào làm việc đủ 20 năm và có xu hướng rút trợ cấp BHXH một lần mỗi khi chuyển việc" - ông Chính nói.

img

Nếu luật cho đóng BHXH 10 năm, 15 năm hưởng lương hưu, nhiều người sẽ cố gắng đeo đuổi để có "hưu"

Đánh giá về đề xuất của Bộ LĐTB&XH, một số người lao động cũng đưa ra ý kiến:

Anh Vũ Xuân Lộc (46 tuổi, công nhân Công ty liên doanh tại Tp. HCM) chia sẻ: “Tham gia đóng BHXH để khi về già, có lương hưu ổn định, không lệ thuộc con cái, tuy nhiên hầu hết người trẻ bây giờ, cụ thể là công nhân – họ chỉ muốn làm vài năm rồi ra ngoài làm công việc khác chứ không làm công nhân lâu dài và cũng không thể làm được.

Vậy nên để làm việc liên tục 20 năm, người đóng BHXH 20 năm ít lắm. Phần lớn họ rút BHXH một lần khi phải nghỉ công ty cũ chuyển sang công ty mới... Nếu luật cho đóng BHXH 10 năm, 15 năm hưởng lương hưu, người ta sẽ cố gắng đeo đuổi để có lương hưu...

Anh Vũ Thanh Tuệ (42 tuổi - nhân viên làm việc tại công ty lắp ráp, sửa chữa ô tô tại Đông Anh, Hà Nội) cũng cho rằng, việc rút ngắn thời gian đóng BHXH chỉ thật sự có ý nghĩa khi đi kèm với giảm tuổi về hưu cho người lao động: "Tuổi hưởng lương hưu tăng từ 60 đối với nam, 55 đối với nữ; thành 65 tuổi nam, 60 tuổi nữ đã cho thấy nhiều bất cập. Bây giờ tốc độ đào thải lao động nhanh, tầm 40 tuổi mà thay đổi công việc là đã khó tìm được việc mới rồi. Ai có thể ngồi chờ đến hơn 60 tuổi để nhận lương hưu không?

Chính điều đó đã dẫn đến thực trạng là ba năm gần đây, tỷ lệ người lao động làm thủ tục nhận BHXH một lần tăng đột biến. Đây có phải là nguyên nhân dẫn đến đề xuất rút ngắn năm đóng BHXH để hưởng lương hưu này không? Riêng tôi cho rằng, kể cả có rút ngắn năm đóng BHXH xuống, người lao động vẫn cứ suy nghĩ đến phương án nhận BHXH một lần, thay vì chờ đến hơn 60 tuổi để nhận lương hưu. 60 tuổi rồi thì còn sống bao nhiêu năm nữa để nhận lương hưu? Chưa kể, tình hình trượt giá cứ tịnh tiến, còn lương hưu vẫn tính theo hệ số và mức đóng BHXH của hàng vài chục năm trước.

“Theo tôi, các nhà quản lý không thể chỉ tính phương án tận thu, nhằm giảm chi cho quỹ BHXH, mà hãy nghĩ nhiều hơn đến quyền lợi thực sự của người lao động. Cần có những tính toán hợp lý, hợp lòng người, như vậy mới có hiệu quả lâu dài" – anh Tuệ nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem