Đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe, cần quy định chi tiết hành vi vi phạm tính điểm trừ

Quang Trung Thứ sáu, ngày 03/05/2024 19:32 PM (GMT+7)
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, giấy phép lái xe có 12 điểm, nếu tài xế vi phạm bị trừ hết số điểm này sẽ phải học lại kiến thức an toàn giao thông. Luật sư, bạn đọc đã nêu ý kiến về vấn đề này.
Bình luận 0

Đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe theo thang 12

Theo dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX) và trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm với điều kiện GPLX phải còn điểm.

Đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe, cần quy định chi tiết hành vi vi phạm tính điểm trừ- Ảnh 1.

Theo dự thảo, số điểm cụ thể bị trừ tương ứng với từng trường hợp vi phạm và sẽ do Chính phủ quy định chi tiết. Ảnh: TL

Cụ thể, Điều 57 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, điểm GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý GPLX, gồm 12 điểm.

Người lái xe có hành vi vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị trừ điểm GPLX theo quy định của Chính phủ. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết.

GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm, người được cấp GPLX phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

GPLX mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của GPLX trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm GPLX.

Cần quy định chi tiết hành vi vi phạm bị trừ điểm

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay các quy định về xử phạt vi phạm hành chính tương đối hoàn thiện và đầy đủ, cả về hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung.

Vì thế, nếu áp dụng trừ điểm và khi hết số điểm để trừ, người lái xe phải kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức thì cần quy định chi tiết từng hành vi cụ thể, hành vi đến mức độ nào sẽ bị trừ điểm, tránh hành vi nào cũng áp dụng trừ điểm…

Đây là những nội dung cần làm rõ. Ngoài ra, cần cân nhắc hình thức xử phạt này bởi hiện tại lực lượng Cảnh sát giao thông có dấu hiệu quá tải công việc, nếu phát sinh thêm các công việc kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ tăng thêm phần việc.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra có thể chỉ mang tính thủ công, rườm rà, mà không tác động nhiều vào ý thức người lái xe nên cần thận trọng đánh giá những tác động tích cực và mặt hạn chế của hình thức trừ điểm.

"Lâu nay chúng ta đang áp dụng hình thức xử phạt bổ sung mạnh tay là tước giấy phép lái xe có thời hạn (tạm thời), nhưng tài xế vẫn vi phạm. Trong khi đó, hình thức trừ điểm này "nhẹ hơn", vậy liệu có hiệu quả và chồng chéo?" – luật sư Đồng đặt câu hỏi và cho biết, thực tế cho thấy đa phần tài tài xế quan tâm tới chế tài (mức phạt) và việc phát hiện hành vi vi phạm.

Nếu mức phạt đủ tính răn đe và mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý mới tác động lên ý thức của tài xế một cách bền vững, để làm được điều này, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế tài xử phạt đã tương đối đầy đủ và phù hợp.

Trong khi đó, bạn đọc Trương Thanh Bình cho biết: "Tưởng biện pháp treo bằng sẽ làm các bác tài sợ mà nâng cao ý thức khi lái xe. Nhưng không, nhiều người bị tạm giữ bằng lái nhưng vẫn ngang nhiên lái xe trên đường, kể cả lái xe khách với hàng chục nhân mạng trên xe.

Ngoài ra, nhiều tài xế dùng "chiêu" báo mất bằng lái để được cấp lại, nếu bị giữ bằng lái này họ sẽ xuất trình bằng lái khác khi bị kiểm tra. Vì vậy, biện pháp cần thiết hơn là cần điều chỉnh, có biện pháp hữu hiệu đối với những trường hợp đã bị treo bằng nhưng vẫn cố tình lái xe trên đường".

Trong khi đó, bạn đọc Kiều Ân cho rằng, đây là điều lẽ ra phải nên làm từ lâu. Giống như ở Nhật, người tham gia sẽ có ý thức hơn vì khi vi phạm phải mất thời gian để đi học lại, thi lại mới khôi phục được bằng lái. Nên ủng hộ mạnh mẽ để giao thông Việt Nam văn minh hơn.

Còn bạn đọc Văn Dũng cho biết, 12 tháng đã được hồi điểm là quá ngắn và luật chưa nghiêm, nên sửa theo hướng nếu bị trừ hết, 3 năm mới được hồi lại.

"Tại sao không thấy đề xuất cộng điểm mà chỉ có trừ điểm? Có phạt thì phải có thưởng để phát huy cái tốt, khuyến khích tài xế chấp hành pháp luật" – bạn đọc Nguyễn Công nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem