Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ một mét hiện nay được xây từ thời Pháp thuộc, tiêu chuẩn kỹ thuật và vận tốc thấp nên chỉ đáp ứng năng lực chạy tàu tối đa 25 đôi/ngày đêm. Nhiều đoạn bán kính đường cong nhỏ, nền đường hẹp nên chỉ khai thác được tối đa 18 đôi tàu/ngày đêm.
Một lãnh đạo ngành giải thích, đường sắt tốc độ cao dự kiến hoàn thành vào 2050, từ nay đến đó còn hơn 35 năm và toàn bộ việc vận tải đường sắt dồn lên con đường đơn khổ một mét hiện tại. “Việc nghiên cứu nhằm làm rõ sự cần thiết phải xây thêm đường sắt song song cũng như lộ trình triển khai và phương án phân kỳ đầu tư, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả cao nhất”, vị này lập luận và cho biết thêm, sau khi có đường sắt cao tốc, tuyến xây thêm này sẽ chuyển qua chạy tàu hàng và tàu khách địa phương.
Ngành đường sắt tính toán, nếu thêm một tuyến đường đôi thì năng lực khai thác sẽ gấp bốn lần hiện nay (hơn 100 đôi tàu/ngày đêm), góp phần giảm sự quá tải đang đè lên đường bộ.
Nếu được chấp thuận, vị này khẳng định Đường sắt Việt Nam hoàn toàn có thể tự xây dựng mà không cần thuê nước ngoài, với cách làm từng đoạn ưu tiên như đề xuất với đường sắt cao tốc.
Theo một chuyên gia đường sắt, đề xuất này là bất ngờ bởi trong Chiến lược điều chỉnh phát triển mà Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng thì từ nay đến 2020 được xác định là “thời kỳ chuẩn bị những điều kiện cần thiết” từng bước xây dựng mới đường sắt đôi, khổ 1,435 m trên trục Bắc - Nam với tốc độ khai thác 160-200 km/h.
Góp ý điều chỉnh chiến lược này hồi tháng 4.2014, VNR nhấn mạnh, nếu xác định đường sắt là phương tiện chủ đạo về vận tải hành khách trên trục Bắc - Nam, thì nên đồng thời cải tạo đường sắt hiện có và xây mới một tuyến cao tốc. VNR cho rằng nên nghiên cứu xây mới đường khổ 1,435 m, điện khí hoá, tốc độ thiết kế 350 km/h và chỉ để chở khách chứ không dùng chung cho cả tàu hàng.
Trao đổi với PV, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, lập luận của ngành đường sắt là trong khi chờ có đường sắt cao tốc thì cần thêm một tuyến đường quy mô vừa phải, phù hợp điều kiện nguồn lực làm đường sắt cao tốc còn khó khăn. “Tuy nhiên, đó mới là đề xuất của Tổng công ty, Bộ chưa chấp thuận ngay mà còn phải lắng nghe ý kiến từ nhiều cơ quan, nhất là các chuyên gia rồi mới đưa ra quyết định”, ông Thăng nói.
(Theo VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.