Để ý kiến của dân không rơi vào im lặng

Chủ nhật, ngày 30/03/2014 11:37 AM (GMT+7)
Việc lấy ý kiến của người bị thu hồi đất đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tài liệu lấy ý kiến phải được chuẩn bị bằng tiếng dân tộc thiểu số.
Bình luận 0
Đây là hai trong nhiều nội dung kiến nghị, góp ý bổ sung xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai (dự thảo công bố ngày 7.1.2014) được đưa ra tại cuộc toạ đàm về các dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013. Buổi toạ đàm do Liên minh Đất đai (viết tắt là LANDA, một diễn đàn của 18 tổ chức xã hội nghề nghiệp) tổ chức ngày 29.3.2014 tại Hà Nội, với sự tham gia của GS.TSKH Đặng Hùng Võ, các nhà báo có kinh nghiệm viết về đất đai và một số khách mời.

Cần quy định cụ thể về nội dung, hình thức và trách nhiệm tiếp nhận ý kiến người dân bị thu hồi đất đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong ảnh: Tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.
Cần quy định cụ thể về nội dung, hình thức và trách nhiệm tiếp nhận ý kiến người dân bị thu hồi đất đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong ảnh: Tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Hai văn bản khác cũng nhận được góp ý tại buổi toạ đàm này là Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Dự thảo Nghị định quy định phương pháp định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất (các bản dự thảo công bố ngày 7.1.2014).

Công khai trên trang thông tin điện tử


Việc lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật Đất đai 2013 về "Trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng". Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phạm Văn Thành - đại diện LANDA tại cuộc Toạ đàm, vấn đề này chưa được quy định cụ thể tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai; từ đó kiến nghị Dự thảo Nghị định cần đưa ra “các tài liệu cần được lấy ý kiến”, “phương thức, thời hạn lấy ý kiến”, tạo thuận lợi cho người dân và tăng tính minh bạch, hiệu quả của công tác này trên thực tiễn.

img

GS Đặng Hùng Võ chia sẻ ý kiến tại buổi toạ đàm
GS Đặng Hùng Võ chia sẻ ý kiến tại buổi toạ đàm

Với những đề xuất sửa đổi, bổ sung điều luật cụ thể, LANDA đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung một Điều về "Lấy ý kiến của người bị thu hồi đất về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư" vào sau Điều 75 của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai.

img

Một số nội dung của “điều mới” này được đề xuất bổ sung như: Tài liệu đưa ra lấy ý kiến bao gồm hồ sơ đầy đủ về quá trình định giá đất, thẩm định giá đất và quyết định giá đất để tính toán mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho từng trường hợp cụ thể và kế hoạch triển khai thực hiện. Các tài liệu để lấy ý kiến được công khai trên trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện hoặc trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường nếu UBND cấp huyện không có trang thông tin điện tử riêng và được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất thu hồi. Cùng với việc công khai các tài liệu nói trên, phải công khai số điện thoại, địa chỉ tiếp nhận thư bưu điện, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại và tên người, đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận các ý kiến đóng góp của người bị thu hồi đất.

Nhiều nhà báo tham gia trao đổi với các chuyên gia tại buổi toạ đàm
Nhiều nhà báo tham gia trao đổi với các chuyên gia tại buổi toạ đàm

Thời gian lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được LANDA đề xuất là 30 ngày.

Họp trực tiếp, thay vì “lấy ý kiến” văn bản

Đặc biệt, để tránh việc lấy ý kiến người dân bị vận dụng một cách hình thức, thiếu thực chất, LANDA kiến nghị bổ sung trong điều mới, việc lấy ý kiến trực tiếp của người bị thu hồi đất đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tổ chức bằng các hình thức họp trực tiếp với người dân trong khuvực có đất thu hồi. UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo trên hệ thống truyền thanh và gửi giấy mời đến từng hộ gia đình bị thu hồi đất về kế hoạch lấy ý trên địa bàn cấp xã. Các hộ gia đình có thể cử đại diện tham gia cuộc họp lấy ý kiến hoặc gửi văn bản tới cuộc họp hoặc tới người, đơn vị có nhiệm vụ tiếp nhận ý kiến

“Cộng đồng có quyền được yêu cầu sự trợ giúp pháp luật và thông tin từ các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…”.

Đề xuất của LANDA

Đối với các nhóm người yếu thế như phụ nữ, người nghèo và người dân tộc thiểu số, Liên minh Đất đai cho rằng, cần có các cách thức lấy ý kiến theo các nhóm riêng. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tài liệu lấy ý kiến phải được chuẩn bị bằng cả tiếng dân tộc thiểu số. Cộng đồng có quyền được yêu cầu sự trợ giúp pháp luật và thông tin từ các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…

Bình luận về bản Dự thảo Nghị định nói trên vẫn còn thiếu nhiều nội dung cụ thể hướng dẫn việc lấy ý kiến người dân, tại buổi toạ đàm, GS.TSKH Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia phân tích chính sách đất đai) cho rằng, pháp luật Việt Nam nói chung, đặc biệt là pháp luật về đất đai quan tâm nhiều hơn đến vai trò quản lý nhà nước mà chưa quan tâm nhiều đến sự tham gia của người dân. Vị chuyên gia này đánh giá cao những đề xuất bổ sung cụ thể của LANDA, vì theo ông, dù có chủ trương đúng, nhưng khi không cụ thể hoá được bằng các quy định, điều luật cụ thể, khả thi thì chủ trương sẽ chỉ trở thành “khẩu hiệu”, nói được mà không thực hiện được.

Cũng tại cuộc toạ đàm, một số chuyên gia và nhà báo có kinh nghiệm viết về lĩnh vực đất đai đã tham gia trao đổi với các diễn giả; góp ý xây dựng đối với 7 nhóm nội dung của 3 dự thảo nghị định kể trên như: Quy định về công bố, công khai trong quản lý và sử dụng đất đai; Quy định về yêu cầu lấy ý kiến người dân trong quản lý đất đai; Yêu cầu về tăng tính đồng thuận trong quá trình thực hiện việc Nhà nước thu hồi đất; Yêu cầu về xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá gắn với quyền giám sát của người dân; Đất đai cho người dân thuộc các nhóm yếu thế; Trình tự, thủ tục nhà nước quyết định giá đất; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất…

Được biết, sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự kiến đến cuối tháng 4.2014, các dự thảo nghị định nói trên sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉnh sửa, trình Chính phủ xem xét ban hành vào tháng 5.2014.
Lam Giang (Lam Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem