DeepSeek là gì mà khiến Nvidia mất giá gần 600 tỉ USD, những người giàu nhất thế giới mất cả trăm tỉ?
DeepSeek là gì mà khiến Nvidia mất giá gần 600 tỉ USD, những người giàu nhất thế giới mất cả trăm tỉ?
V.N (Theo Reuters)
Thứ tư, ngày 29/01/2025 19:59 PM (GMT+7)
Mô hình trí tuệ nhân tạo DeepSeek của Trung Quốc vừa ra mắt đã khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu. DeepSeek đe dọa sự thống trị của các công ty AI hiện tại như Nvidia, khiến giá trị thị trường của công ty này giảm tới 592 tỉ USD.
Công ty khởi nghiệp Trung Quốc DeepSeek ra mắt các mô hình AI mới DeepSeek, ngang tầm hoặc vượt trội hơn so với các mô hình dẫn đầu ngành ở Mỹ, nhưng với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ, ít hơn vài chục lần so với các công ty AI của Mỹ. Điều này đang đe dọa làm xáo trộn trật tự công nghệ toàn cầu.
Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu vào Thứ Hai 27/1 khi lo ngại mô hình trí tuệ nhân tạo giá rẻ DeepSeek sẽ đe dọa sự thống trị của các công ty AI hiện tại như Nvidia.
Điều này đã khiến chỉ số Nasdaq công nghệ giảm 3,1% vào Thứ Hai. Nvidia là tác nhân kéo Nasdaq xuống mạnh nhất, với cổ phiếu của hãng này giảm gần 17%, àm giảm 592,7 tỷ USD giá trị thị trường của nhà sản xuất chip nàyđánh dấu mức giảm một ngày kỷ lục về giá trị vốn hóa thị trường của cổ phiếu Phố Wall, theo dữ liệu từ LSEG. Cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ khác cũng bị ảnh hưởng mạnh.
Theo Bloomberg, 500 người giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng 108 tỷ USD tài sản hôm 27/1 trong bối cảnh bán tháo cổ phiếu.
Đợt bán tháo đã xóa sạch lợi nhuận từ danh mục đầu tư công nghệ của các tỷ phú như đồng sáng lập Nvidia Jensen Huang và Larry Ellison của Oracle, những người có tài sản gắn liền với AI.
DeepSeek thu hút sự chú ý trong cộng đồng AI toàn cầu sau khi công bố trong một bài báo vào tháng trước rằng việc huấn luyện DeepSeek-V3 chỉ tốn chưa đến 6 triệu USD cho sức mạnh tính toán từ các chip Nvidia H800, trong khi các công ty Mỹ chi hàng trăm triệu USD cho mô hình này.
Trợ lý AI của DeepSeek, sử dụng DeepSeek-V3, đã vượt qua ChatGPT để trở thành ứng dụng miễn phí được đánh giá cao nhất trên App Store của Apple tại Mỹ.
Điều này dấy lên nghi ngờ về lý do tại sao một số công ty công nghệ Mỹ lại cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào AI.
Dưới đây là một số thông tin về công ty đang gây xôn xao ngành AI toàn cầu.
Tại sao DeepSeek gây chú ý?
Việc OpenAI ra mắt ChatGPT vào cuối năm 2022 đã khiến các công ty công nghệ Trung Quốc lao vào cuộc đua tạo ra chatbot AI của riêng mình.
Tuy nhiên, sau khi Baidu - gã khổng lồ tìm kiếm của Trung Quốc, ra mắt sản phẩm tương đương đầu tiên với ChatGPT, nhiều người đã thất vọng khi thấy sự chênh lệch về khả năng AI giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ.
Chất lượng và hiệu quả chi phí của các mô hình DeepSeek đã thay đổi hoàn toàn tình hình. Hai mô hình DeepSeek-V3 và DeepSeek-R1, được Silicon Valley và các kỹ sư công nghệ Mỹ khen ngợi, được cho là ngang ngửa với các mô hình tiên tiến nhất của OpenAI và Meta.
Chúng cũng rẻ hơn rất nhiều. DeepSeek-R1, ra mắt tuần trước, rẻ hơn từ 20 đến 50 lần so với mô hình OpenAI o1, tùy thuộc vào từng nhiệm vụ, theo thông tin từ tài khoản WeChat chính thức của DeepSeek.
Tuy nhiên, một số người đã công khai bày tỏ sự nghi ngờ về câu chuyện thành công của DeepSeek.
Giám đốc điều hành Scale AI, Alexandr Wang, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hôm thứ Năm, cho biết mà không đưa ra bằng chứng rằng DeepSeek sở hữu 50.000 chip Nvidia H100, và cho rằng điều này sẽ không được công khai vì sẽ vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu của Washington, cấm bán các chip AI tiên tiến này cho các công ty Trung Quốc. DeepSeek hiện chưa phản hồi yêu cầu bình luận về cáo buộc này.
Các nhà phân tích của Bernstein hôm thứ Hai cũng chỉ ra trong một ghi chú nghiên cứu rằng chi phí huấn luyện tổng cộng cho mô hình V3 của DeepSeek vẫn chưa được công bố nhưng chắc chắn cao hơn mức 5,58 triệu USD mà công ty khởi nghiệp này công bố là chi phí cho sức mạnh tính toán. Họ cũng cho biết chi phí huấn luyện cho mô hình R1 không được công khai.
Ai là người đứng sau DeepSeek?
DeepSeek là một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Hàng Châu, và cổ đông chính là Lương Văn Phong (Liang Wenfeng), đồng sáng lập quỹ phòng hộ High-Flyer, theo hồ sơ doanh nghiệp Trung Quốc.
Quỹ của Liang đã thông báo vào tháng 3 năm 2023 trên tài khoản WeChat chính thức rằng họ "bắt đầu lại", không chỉ dừng lại ở giao dịch mà còn tập trung vào việc xây dựng một "nhóm nghiên cứu độc lập mới để khám phá bản chất của AGI" (Trí tuệ nhân tạo tổng quát). DeepSeek được thành lập vào cuối năm đó.
OpenAI định nghĩa AGI là những hệ thống tự động vượt qua con người trong hầu hết các nhiệm vụ có giá trị kinh tế.
Hiện chưa rõ quỹ High-Flyer đã đầu tư bao nhiêu vào DeepSeek. Hồ sơ doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy High-Flyer có văn phòng trong cùng tòa nhà với DeepSeek và cũng sở hữu các bằng sáng chế liên quan đến các cụm chip dùng huấn luyện mô hình AI.
Vào tháng 7/ 2022, đơn vị AI của High-Flyer đã công bố trên WeChat rằng họ sở hữu và vận hành một cụm 10.000 chip A100.
Bắc Kinh nhìn nhận DeepSeek như thế nào?
Thành công của DeepSeek đã thu hút sự chú ý trong giới chính trị cấp cao ở Trung Quốc. Hôm 20/1, ngày DeepSeek-R1 được phát hành công khai, nhà sáng lập Lương Văn Phong đã tham dự một hội nghị kín dành cho các doanh nhân và chuyên gia do Thủ tướng Trung Quốc Lý Kiến Quốc chủ trì, theo thông tin từ Tân Hoa Xã.
Một hội nghị tương tự vào năm ngoái đã có sự tham gia của CEO Baidu, Robin Li.
Sự xuất hiện của Lương tại sự kiện này có thể là dấu hiệu cho thấy thành công của DeepSeek là một phần quan trọng trong mục tiêu chính sách của Bắc Kinh: Vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Washington và đạt được sự tự chủ trong các ngành công nghiệp chiến lược như AI.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.